Căn cước Hà Nội của Tạ Mỹ Dương

Căn cước Hà Nội của Tạ Mỹ Dương

Bộ ba cuốn sách ra cùng một lúc – Bên cạnh rong rêu (truyện ngắn, tản văn), Âm thanh cầu thang gỗ (cảm luận kiến trúc nhà ở và đô thị) và Đá hát (du ký kiến trúc) là một món quà đẹp của Hà Nội và cho Hà Nội

Có nhiều người chỉ ở Hà Nội một giai đoạn ngắn trong cuộc đời, nhưng họ chóng bị thành phố này ám. Giới nghệ thuật chứng kiến nhiều người chỉ ở vài năm hay tạt qua, thế mà thành tựu của họ, hay dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của họ lại mang “căn cước” Hà Nội rõ nét. Tạ Mỹ Dương sống ở Hà Nội chừng hai chục năm, tức là đến giờ là một phần ba quãng đời, nhưng như lời một bài hát, hai mươi năm đấy là hai mươi năm đẹp nhất vì thuộc về tuổi trẻ. Thời gian định hình nên phong cách tư duy, gu thẩm mỹ, mà sau đấy thay đổi rất khó.

Bộ ba cuốn sách ra cùng một lúc – Bên cạnh rong rêu (truyện ngắn, tản văn), Âm thanh cầu thang gỗ (cảm luận kiến trúc nhà ở và đô thị) và Đá hát (du ký kiến trúc), dù viết nhiều về Sài Gòn – nơi anh định cư sau năm 1975 và rất nhiều vùng trên thế giới mà anh du lịch qua, vẫn xoay quanh cái trục Hà Nội. Anh cũng không cố gắng tỏ ra “đương đại” như gắng xóa bỏ các dấu vết có tính bảo thủ vốn dĩ của dân Hà Nội lâu nay, mà bình thản điều chế nó với các giá trị của môi cảnh toàn cầu. Biết là không thể tránh khỏi so sánh cái mùi ngàn ngạt của bếp than tổ ong đặc trưng ở các ngôi nhà cũ Hà Nội với những cái bếp tân tiến ở Sài Gòn hay nước Anh, nên anh bình tĩnh chung sống và từ tốn khắc chế những điều dở.

Tìm hiểu thêm:  CHUYỆN CŨ Ở SÓC TRĂNG: KÝ SỰ QUÝ CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN VỀ VÙNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

Bởi vậy, “mùi hồng bì” của thức quà quê với anh được mô tả gần gũi với Hà Nội, cũng như những phiến đá lát đường các đô thị châu Âu không còn quá lạ lẫm đến độ được tôn sùng đầy thần bí – điều phảng phất có ở nhiều cuốn sách du ký đang tràn ngập ở ta. Tản văn, cảm luận, du ký hay truyện ngắn – những cái tên thể loại theo tôi không quá quan trọng trong văn Tạ Mỹ Dương, bởi vì trải nghiệm cuộc đời và cảm xúc cá nhân của anh định hình lối kể. Anh giống như một người hay chuyện và nhiều chuyện hay, cứ ngồi với chén trà, ly rượu hay vại bia là có bạn nghe.

Thông thường, ở vào tuổi sáu mươi, ở Việt Nam hay nghĩ đến tuổi ngồi hưởng nhàn. In sách cấp tập một bộ, dễ giống các chính khách tổng kết đời hoạt động, hay các nghệ sĩ cựu trào nhảy sang địa hạt văn chương. Tuy nhiên, Tạ Mỹ Dương bằng giọng văn viết kỹ, không lạm dụng những tính từ cảm khái rậm rạp trong dòng sách cùng thể loại, đã đưa bộ ba cuốn sách sang hướng khác nhiều gợi ý sâu hơn. Có thể nói, đây là một dẫn xuất đáng kể cho khảo sát đô thị ở khía cạnh xã hội học và nghiên cứu văn hóa. Nhiều trang viết về lai lịch ngôi nhà anh ở phố Nguyễn Chế Nghĩa đan xen với hồi ức về hoàn cảnh gia đình tựa như một biên niên nho nhỏ về đô thị Việt Nam những năm tháng cũ. Người cha là KTS Tạ Mỹ Duật, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, góp phần tạo nên cái khung không gian đô thị Hà Nội, người mẹ là một bà đỡ – có công trong việc tạo ra đời sống sinh tồn của cư dân trong lòng không gian ấy, rồi bà bác kiêu sa một thời sống ở Sài Gòn hay những người phụ nữ đẹp đa truân như cô Bích Được, chị Nhạn… họ là phong vị ủ kín trong những căn phòng cũ kỹ, nay Tạ Mỹ Dương tẩn mẩn gõ từng cánh cửa một, vặn nhẹ nắm đấm cửa, một tiếng động khẽ vang lên, một mùi hương gợi lại và thế là ký ức được tái hiện. Tạ Mỹ Dương quả có ca tụng một Hà Nội cũ yêu kiều, mộng mị nhưng bằng một lối tiếp cận kỳ khu, quan sát định tính tôn trọng bản gốc, tránh những mỹ từ lộng lẫy.

Tìm hiểu thêm:  Những dòng chữ xoa dịu tâm can

Trong vòng ba thập niên lại đây, người ta đã nói đến tầm quan trọng của những thuộc tính “tầm thường” khi bàn về bản sắc dân tộc hay sự định hình nên các thể chế. Các thuộc tính này càng ngày càng trở nên là những chất liệu đáng tin cậy trong ngành đô thị học, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa mà vẫn chưa xong câu chuyện hậu thuộc địa. Chúng góp phần làm cho những quyết định về quy hoạch vĩ mô phải cân nhắc đến những chi tiết, thay vì thiên vị một ý chí. Như những bài viết về kiến trúc và quy hoạch của Tạ Mỹ Dương đã kiên trì chỉ ra, cuộc song hành bất trắc giữa bảo tồn các giá trị văn hóa mỏng mảnh với những sự đổ bộ lực lưỡng của kinh tế nóng là điều phải được giải quyết. Khi tất cả các đô thị đều chịu sự cưỡng bức của những “ngôi nhà thịt bò” ném vào sườn núi như Sa Pa, hay chễm chệ giữa Hà Nội lấn át những biệt thự cũ, thì không gian cho con người tĩnh tâm hít thở, hưởng thụ và sáng tạo đành phải trông cậy một cuộc nhập khẩu mới. Hoặc ở hướng khác, một cuộc dịch chuyển ồ ạt mới.