Có một Hà Nội trong tôi – Hà Nội một thời đã xa, gian lao mà thanh lịch

Có một Hà Nội trong tôi – Hà Nội một thời đã xa, gian lao mà thanh lịch

Đây là tập tản văn nhỏ đong đầy những hồi ức, cảm xúc, suy tư, và trăn trở của tác giả Vũ Công Chiến – một người đàn ông tuy không sinh ra ở Hà Nội, chưa từng nhận mình là “người Hà Nội gốc”, nhưng lại hiểu rõ từng nhịp thở của thành phố này.

Đời người hòa cùng đời phố

Vũ Công Chiến bộc bạch: “Tôi sống gần như cả đời ở Hà Nội… Vì thế tất cả ký ức đời tôi gắn liền với Hà Nội cùng những đổi thay của nó”. Trong bức tranh nhuốm màu thời gian do Vũ Công Chiến vẽ nên, những chặng đường đời ông cũng song hành với những chặng đường lịch sử của Hà Nội trong 50 năm trở lại đây.

Trang sách mở ra đưa độc giả quay ngược thời gian về những năm 1950, theo chân chú bé Vũ Công Chiến vừa theo bố mẹ từ chiến khu chuyển về thủ đô sinh sống. Được sự tận tình giúp đỡ của bà con xung quanh, dần dà họ trở thành người Hà Nội và hòa nhập với nhịp sống nơi đây, tạo nên những ký ức hồn nhiên và yên bình trong phần “Hà Nội, gia đình và tuổi thơ tôi”.

Bước sang “Hà Nội, một thời tuổi trẻ”, ta lại thấy những ngày Hà Nội cùng cả nước đánh Mỹ, khi trên trời cứ loáng thoáng bóng máy bay, dưới đất đầy hầm trú ẩn, không gian vẳng tiếng đạn bom và những người thanh niên sôi nổi quyết tâm dốc hết sức trẻ để chiến đấu và xây dựng đất nước, để lỡ những lưu luyến mà cô bạn cùng lớp gửi gắm trong chiếc khăn tay.

Tìm hiểu thêm:  Review Hoàng Tử Bé - Cuốn Sách Kì Lạ Được Viết Bởi Một Tác Giả Kì Lạ
Tác giả Vũ Công Chiến ký tặng sách độc giả

Hà Nội của mỗi người và của mọi người

Trong những hồi ức cá nhân của Vũ Công Chiến, ta tìm thấy nhiều cái chung đã trở thành ký ức tập thể và nhận diện được cả những dấu vết của một thời đã xa. Ta hiểu được nếp sinh hoạt của người dân gắn với phố phường Hà Nội: trò dính chuồn chuồn, trộm vịt của trẻ con; sự giặt giũ, bơi lội ở Tây hồ; những hoạt động chống giặc đánh giặc và dựng xây đất nước; việc mưu sinh vất vả ở sông Hồng; cảnh xếp hàng thời tem phiếu; và trên hết là những món ăn độc đáo, đầy phong vị quê hương (cà cuống, bánh tôm, bún ốc).

Trong phần cuối, “Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai…” tác giả đã chọn lọc những dấu ấn văn hóa đặc sắc để từ vài nét chấm phá nhìn ra được một Hà Nội đương thời với đủ âm thanh và màu sắc, có cũ có mới, có hiện tại và quá khứ đan xen. Trong một tách cà phê, đĩa bánh cuốn, thú chơi xuân, một góc hồ Tây, những hàng cây, từng ô cửa sổ và ngôi nhà cổ, ta thấy được diện mạo của thành phố ngàn năm văn hiến, đầy cốt cách, đầy thanh lịch.

Viết về một nơi đã gắn bó như máu thịt, Vũ Công Chiến dùng giọng kể hết sức chân phương. Nghiêm trang và tỉ mỉ, ông mô tả tất cả một cách chi tiết và chân thật, không miên man cảm xúc hay đao to búa lớn, nhưng từ đó toát lên vẻ đẹp thanh lịch của đất kinh kỳ.

Tìm hiểu thêm:  Tại sao nói “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” là một trong những quyển sách gây tranh cãi nhất thế kỷ XXI?

Có một Hà Nội trong tôi góp thêm một mảnh ghép khác vào bức tranh thủ đô nước Việt trong ký ức tập thể. Từ Hà Nội trong tâm tác giả, mỗi người đọc sẽ khám phá ra một Hà Nội của chung và một Hà Nội của riêng mình.

TÁC GIẢ:

Vũ Công Chiến sinh năm 1953, nguyên quán Hưng Yên.

Ông vốn là kỹ sư điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội; cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công thương. Ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên.

Năm 2017, tác giả Vũ Công Chiến nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm đầu tay xuất sắc với cuốn tiểu thuyết tự truyện Hồi ức lính.

Năm 2019, cuốn sách Kim Liên một thuở của ông nhận đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ XII.

Hiện tác giả Vũ Công Chiến đang sống và sáng tác trong một căn hộ thuộc khu tập thể Kim Liên, Hà Nội.