Một quyển sách “nức” lòng giới trẻ bằng 3 chữ DÁM!

Một quyển sách “nức” lòng giới trẻ bằng 3 chữ DÁM!

“Dám nghi, dám nghĩ, dám nghỉ” như chìa khóa mở cửa (không phải trái tim nha) sự bản lĩnh để dám làm chủ đời mình dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào. Cuốn sách này tổng hợp nhiều câu chuyện nhỏ về cuộc sống tác giả Ai Huynh, xoay quanh 3 trụ cột chính: Dám Nghi (dám đặt câu hỏi) – Dám Nghĩ (dám suy ngẫm) – Dám Nghỉ (dám từ bỏ) tại ba nơi: Mekong – Sài Gòn – San Francisco.

Hoặc có thể có góc nhìn khác sau 3 chữ Dám trên, tác giả đã bổ sung rằng:

“Trong giai đoạn biên tập cuốn sách này, Minh Trang, người biên tập phụ trách bản thảo mà tôi có may mắn làm việc cùng, chia sẻ rằng những câu chuyện trong cuốn sách này có màu sắc chung là chữ Dám to đùng mà người trẻ nên hướng đến tiếp theo: Dám mưu cầu hạnh phúc.”

Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại học San Francisco bằng học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ và đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao khác, mình thật ngưỡng mộ “profile” xịn sò của tác giả. Hơn thế nữa, mình cũng cảm mến cô bởi sự khiêm tốn và lòng biết ơn cô dành cho những người đồng hành – cùng tạo nên quyển sách chuẩn chỉnh này.

Bằng chứng là tác giả dành hẳn 1 chương gần cuối để viết lời cảm ơn, gần như “điểm mặt gọi tên” từng người đã giúp đỡ và hỗ trợ cô trong suốt quá trình viết sách. Từ phía nhà xuất bản Trẻ, đội ngũ biên tập viên nhiệt tình hỗ trợ, đến những người sếp, đồng nghiệp, đối tác, bạn bè và chắc chắn không thể thiếu hậu phương vững chắc là gia đình. Thật hiếm có quyển nào bài bản và có chút “trịnh trọng” như vậy (ít nhất trong số sách mình đã đọc trong 5 năm đổ lại đây).

Tìm hiểu thêm:  “Có một Hà Nội trong tôi” – Bức tranh hoài niệm giàu xúc cảm

Ngoài ra, mình cũng rất cảm ơn tác giả Ai Huynh và quyển sách tâm đắc này của cô đã cho mình hiểu, thế nào là sức mạnh của nhiều điều bình dị trong cuộc sống. Chúng ta thường bỏ qua những điều bình thường vì nghĩ chúng…cũng thường thôi. Nhưng đâu ai biết, sự bình thường ấy tích lũy dần sẽ làm nên những điều phi thường.

Lướt qua từng chương, bạn sẽ thấy nhiều điều rất quen và bình thường đến mức nhắm mắt cũng thấy được

“cách truyền thông ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta về giới hạn năng khiếu,

“làm chủ công nghệ thay vì phụ thuộc chúng,

“quản lý thời gian và đề cao sự tập trung cho những điều xứng đáng,

“sức khỏe tinh thần trong đời sống thời AI, những ảnh hưởng đại dịch COVID-19”

Thế thì đã sao? Quen đến mấy cũng chưa chắc biết tất cả. Chẳng phải chúng ta đều cần những điều “cũng thường thôi” để lấy đà vươn tới những điều lớn lao hơn sao? Như sự thịnh vượng của một quốc gia, sự bứt phá của một doanh nghiệp, hay sự hạnh phúc của một gia đình 3 thế hệ.

 “Không ai hoàn hảo, nhưng vì còn thấy khiếm khuyết, là còn thấy lý do để cố gắng tốt hơn.”

Hy vọng quyển sách này sẽ thúc đẩy bạn dám nhiều hơn, bởi mình luôn tin, mỗi người đều có nguồn động lực nào đó phía sau – chỉ là bạn có dám kích hoạt nó hay không.

Tìm hiểu thêm:  ĐỌC VƯƠNG HỒNG SỂN: CHUYỆN CŨ Ở SỐC TRĂNG (TẬP 2)