“Kinh tế học thời khó nhọc” (Good economics for Bad times) là cuốn sách được viết bởi Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo, xem xét cách sử dụng kinh tế học để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất mà thế giới ngày nay phải đối mặt. Cuốn sách đưa ra những khái niệm kinh tế quan trọng như bất bình đẳng trong tăng trưởng kinh tế, nghèo đói, di cư và biến đổi khí hậu, đồng thời giải thích cách chúng được kết nối với nhau cũng như các lựa chọn chính sách có thể giúp giải quyết chúng như thế nào. Nhóm tác giả lập luận rằng để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc kinh tế tốt (good economics), đó là cách tiếp cận có tính đến sự phức tạp của thế giới thực (real world complexities).
Nhóm tác giả đã sử dụng những gì các nhà kinh tế học có những sự hiểu biết sâu sắc để tìm ra điểm chung trong các đề tài tranh luận nóng hổi của thời đại mà chúng ta đang sống. Chẳng hạn như vấn đề di cư (migration), thương mại (trade), tăng trưởng kinh tế (economic growth), biến đối khí hậu (climate change) và các chính sách xã hội (social policies). Hai tác giả đã sử dụng các hành văn đơn giản để chứng minh làm thế nào tư duy kinh tế đi kèm với nghiên cứu thực nghiệm (empirical works) có thể giải quyết được vô số vấn đề chính sách phức tạp. Các tác giả, vốn đã rất nổi tiếng với công trình trước đây của họ (Bộ đôi nhà kinh tế học đã đạt được giải Nobel Kinh Tế năm 2019 …) thúc đẩy việc sử dụng các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (randomized controlled trials) để làm sáng tỏ nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu cũng như các nhà lập pháp trên khắp thế giới.
Mỗi chương của cuốn sách đề cập đến một câu hỏi lớn có tầm quan trọng chiến lược. Nhiều câu hỏi trong số đó có thể khiến người đọc phải suy ngẫm hoặc thậm chí tranh luận gay gắt. Những câu hỏi như: Mọi người có nên bỏ phiếu cho các chính trị gia ủng hộ việc nhập cư không? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu? Phúc lợi hay tiền mặt có làm người ta lười biếng hơn không? Tự động hóa sẽ có tác động gì đến việc làm và phúc lợi? Bất chấp tính chất gây tranh cãi và chia rẽ của các chủ đề này, nhóm tác giả vẫn cố gắng sắp xếp nội dung quyển sách trong tương quan của một cuộc tranh luận cân bằng, thu hút, với nhiều dẫn chứng thú vị, hài hòa.
Ví dụ cụ thể về vấn đề nhập cư (immigration), nhóm tác giả cho rằng, trái ngược với quy luật cung cầu, dòng lao động nhập cư có tay nghề thấp không thực sự ảnh hưởng đến tiền lương địa phương ở hầu hết các quốc gia. Các thử nghiệm tự nhiên (liên quan đến việc người Phần Lan bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1945, người Cuba đổ xô đến Miami năm 1980 và người Do Thái định cư ở Israel vào những năm 90) chứng minh rằng người di cư không cướp mất việc làm của người bản xứ. Nó chỉ giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội (social housing) do chính sách thắt lưng buộc bụng (austerity policy) để lại.
Trong các chương sách nói về tăng trưởng (growth), người đọc tiến gần hơn đến việc tiếp cận quan điểm chính trị của tác giả. Trong khi đứng về phía những người cấp tiến như Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Alexandria Ocasio-Cortez (3 gương mặt nổi trội của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ), lập trường của nhóm tác giả lại có phần chủ đạo và cân bằng hơn. Họ ủng hộ các kế hoạch giúp đỡ các nạn nhân của toàn cầu hóa. Chẳng hạn như, họ ủng hộ việc trả tiền cho các công ty ở các khu vực đang suy thoái để giữ chân những người lao động lớn tuổi. Nhóm tác giả cho rằng, bản thân những người này bị mất đi việc làm bởi quá trình dịch chuyển vốn và việc làm về những vùng khác của thế giới nơi tiền công “rẻ” hơn đáng kể.
Sự chú ý đến sự bình đẳng và công bằng trong xã hội (social equality and justice) cũng đáng chú ý trong câu trả lời của tác giả đối với những câu hỏi lớn khác mà cuốn sách đề cập đến. Về cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhóm tác giả viết về sự thiếu hụt của công nghệ sạch và tăng trưởng xanh để giải quyết vấn đề cốt lõi chủ yếu nằm ở khía cạnh đạo đức chứ không phải kỹ thuật: “Chẳng phải các nước giàu nên tiêu thụ ít hàng xa xỉ hơn để công dân ở các nước nghèo hơn có thể có một ít của cải?” Trên cơ sở đó, họ nhấn mạnh vai trò của chính sách trong việc tác động đến hành vi, thói quen và chuẩn mực của mỗi cá nhân. Cụ thể, họ kêu gọi sự can thiệp kết hợp giữa tâm lý học và kinh tế. Ví dụ, thuế carbon (carbon tax) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp, chính phủ và mọi người hướng tới những hành vi và quyết định phù hợp hơn.
Tụ chung lại, cuốn sách được viết với cả sự tham vọng lớn lao và nét khiêm tốn thực tế. Các tác giả hy vọng rằng những phê phán của họ, cùng với việc xem xét kỹ lưỡng những câu chuyện quá “dễ dàng” sẽ giúp giảm sự phân cực trong mức sống của người dân và cho phép thiết kế những giải pháp cải thiện các chính sách cụ thể dựa trên bằng chứng vững chắc và phân tích chặt chẽ. Nhìn chung, cuốn sách là một tác phẩm không thể bỏ qua cho những ai đam mê nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, chính sách công cũng như việc vận dụng chính sách vào thực tiễn xã hội.