KIẾP NGƯỜI – NGỌC GIAO

KIẾP NGƯỜI – NGỌC GIAO

Thời gian trôi nhanh như bóng câu lướt ngoài cửa sổ. Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ. Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào. Trầm luân là một quy luật của kiếp người. Lại thấy mỗi thời có một kiểu trầm luân khác, và Ngọc Giao như người lưu dấu những sử liệu về tâm hồn con người.

Trong lời tự sự của mình, nhà văn viết: “Các nhân vật trong truyện ồn ã bước ra, cười nói, khóc than, sướng vui, đau khổ với biết bao kiểu người, phận người, kiếp người trong xã hội thuộc địa nước nhà nửa đầu thế kỷ trước. Đặc biệt là Hà Nội, nơi ta đã sống nhiều và viết nhiều. Thành phố thuộc địa này chứa đựng cả một thế giới đầy mâu thuẫn với những tình cảm đối lập nhau: Cam chịu, giận hờn, chờ đợi, thù hận và phản kháng.”

Hồi ức những ngày thơ ấu

“Tuổi thơ nào biết vui mái ấm

Gác trọ, cơm người, cháo với rau…

Nay trọn tám mươi ôn cố sự

Hỏi trời không nói,

Hỏi ở đâu

Ngọc Dao, 1991”

Nỗi nhớ mẹ tràn ngập cõi lòng của đứa trẻ vắng mẹ từ nhỏ, khi về thăm ông ngoại được ông cho ở chính căn phòng của mẹ mình ngày xưa, lần đầu được biết tên của mẹ, lần đầu được nhìn thấy ảnh của người mẹ mình hằng mong nhớ: “Tôi trịnh trọng lấy tấm ảnh ra ôm chầm vào ngực mà ôm ấp, đưa lên mặt mà hôn hít, mà ngắm nghía. Tôi nhìn ảnh, rồi lại nhìn bóng tôi ở trong gương xem có nét gì giống mẹ không. Mê man và vui sướng như được thấy người mẹ hiền sống lại, tôi nâng niu tấm ảnh trên tay, ngắm mãi không mỏi mắt. Bây giờ tôi mới được trông mặt mẹ, vì tự thuở lấy chồng, mẹ tôi không hề chụp một tấm ảnh nào. Đêm ấy, tôi ấp ảnh mẹ tôi vào ngực,ngủ ngon lành trên đệm như đứa trẻ ngủ ngon lành trên một cái nôi. Tôi mơ màng thấy tôi bé lại, có một bàn tay trắng muốt vỗ về tôi…Bên tai tôi, văng vẳng tiếng ai ca khúc Nam Bình ru cho tôi ngủ, giọng ca lẫn với giọng đàn mê li…” – Một truyện của lòng.

Hình bóng một người mẹ hiền với sự hy sinh cả một đời mình cho chồng, cho con. Hình ảnh người mẹ gắn với lá dâu, con tằm như một linh ảnh trở đi trở lại “Tất cả tình thương yêu, trìu mến.bà đã san sẻ cho chồng, cho con, cho đàn tằm, quên hẳn mình, người đàn bà suốt đời vất vả, thờ chồng, quý con, hi sinh đến nỗi quên cả than mình” – Những ngày thơ ấu. Nó vừa đại diện cho một cuộc đời “rút ruột nhả tơ”, nhưng khi mất rồi, không còn chỗ dựa, thì ông bỗng thấy mình rất cô độc, bởi lẽ “trăm dâu đều đổ đầu tằm”, giờ mẹ không còn, không ai che chở. “Thực vậy, mỗi ngày được sống, tôi càng gặp bao nhiêu thất vọng, nếm bao nhiêu cay đắng” – Những ngày thơ ấu.

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

“Ngẫm than phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê”

Nguyễn Gia Thiều

Kiếp người với nỗi chua xót của những ngày thơ: “Canh tàn thì rượu tỉnh. Người ta buồn khổ nhất là ở lúc này. Kẻ giang hồ buồn với cái buồn mênh mông của con người đi xứ, nhưng cũng chưa giết long bằng cái buồn của những kẻ không giang hồ mà vẫn buồn vì cuộc đời lửng lơ không chia ly cũng không gắn bó với ngưỡng cửa gia đình chật hẹp”- Đứa con cầu tự.

Tìm hiểu thêm:  Một quyển sách “nức” lòng giới trẻ bằng 3 chữ DÁM!

Phận phụ nữ ba chìm bảy nổi với dòng đời. Lấy chồng trong nhờ đục chịu. “Người phụ nữ xuất thân từ một gia đình dòng dõi mà nay khổ sở, vất vả nuôi chồng. Đôi bàn chân nhỏ bé kia, giẫm bao nhiêu gai góc mảnh sành, dãi bao nhiêu mưa nắng, sau rồi cũng to ra, cũng đen đủi như chân những người đàn bà quê mùa khác”. Nhưng mà: “Cha tôi,ông không lúc nào tỏ vẻ thương xót mẹ tôi. Một manh chiếu có rệp, một lỗ màn thủng chưa kịp vá để muỗi chui vào làm mất giấc ngủ của ông, chỉ có vậy cũng đủ thành tội lớn cho ông chửi rủa. Có một lần ông ném cả bát canh nóng sôi vào mặt mẹ tôi (vết sẹo ấy khi tôi đã hiểu biết người mới kể cho tôi, tôi thấy thương mẹ và oán hận bố vô cùng!)

Khốn khổ thay, thảm thương thay tấm lòng người mẹ. Mẹ chỉ muốn tin cuộc đời là thiêng liêng, tốt đẹp; mẹ không dám nhìn nhận những nguồn sầu khổ mà chính mẹ bị đắm chìm trong đó cả kiếp người. Đứa con bị sinh ra giữa cuộc phối hợp oan trái, đứa con đó sẽ là cái mộc hứng hết những vết thương. Đứa trẻ đó lớn dần trong cơn sung đột, suy biến và giông bão giữa bố và mẹ. Bao nhiêu năm trời, bao nhiêu đoạn trường”.

“Mẹ tôi đã chết. Người đàn bà đau khổ vì tôi đã bỏ cõi đời rồi. Vậy tôi còn ham đuổi đồng tiền, để hòng phụng dưỡng cho ai nữa? Nghĩ thế tôi đã bỏ việc để chơi bời. Sự trác táng chỉ làm tôi khổ hơn lên. Tôi thấy tôi là một kẻ liều, không thế sống như thế được. Tôi phải làm việc, phải sống lương thiện. Cứ mỗi một kẻ đau khổ lại viện cớ này,cớ nọ để thù oán, để chán ghét đời thì cuộc đời còn gì là nghĩa sống. Tôi tha thứ cho cha tôi, tôi cố quên rằng cái chân què của tôi đây đã bị bẻ gãy bởi bàn tay người đó. Tôi cầu nguyện cho vong hồn mẹ tôi được lên cõi Phật, bởi vì lúc đang bị đày ải, cũng như lúc đã thoát khỏi cõi tục lụy này, mẹ tôi chỉ muốn được gần Trời, gần Phật mà thôi”- Đứa con cầu Tự.

Giữa cảnh loạn lạc khổ sở: “Hai người đàn bà rách rưới trùm chung một chiếc áo tơi lá rách, họ rúm vào nhau giữa lòng thuyền, một người ôm đứa trẻ bọc trong mảnh tã nâu. Đứa trẻ bé như con chuột, hở nửa mặt ra ngoài, da xanh nhợt, mắt nhắm nghiền. Bao nhiêu cảnh lầm than, bao nhiêu cuộc chia ly đọa đac, bao nhiêu máu và nước mắt. Con đường vạn dặm,kẻ mạnh không bao giờ ngoảnh lại nhìn kẻ yếu đã ngã…” Những kiếp người chạy loạn: “Khốn nạn, chúng tôi thì cứ là kiếp khác. Đâm xuôi đổ ngược, đầu tắt mặt tối khắp đêm ngày cũng chả đủ cho vợ con no ấm, còn tiền đâu mà đi đó đi đây cho biết mùi đời nữa. Sống như trâu ngựa”. Nhưng Trâm cô hàng bún riêu trong Bến mưa vẫn không quên hy vọng về một ngày mai tươi sáng: “Mai kia hết loạn, cuộc đời biết đâu chẳng khác đi nhiều. Không lẽ con người cứ lầm than mãi”. Để rồi hy vọng: “Mai kia người ta sung công hết ruộng đất của người giàu để chia cho người nghèo. Khi ấy chúng mình có ruộng có trâu ắt có tiền ăn dư mặc rộng, thế rồi thì là đi đó đi đây, đi Nam đi Bắc cho hả cái đời mình chứ”.

Tìm hiểu thêm:  Trả Phí Mua Sự Chú Ý (Paid Attention)” của tác giả Faris Yakob

KHÍ PHÁCH

“Cánh buồm căng gió đại dương

Khuấy lên nắng sớm lưỡi gươm anh hùng”

Hoàng Cầm

Câu chuyện về anh mõ làng Nguyệt Đức

Anh mõ làng tôi quả là một nhân vật khác thường. Thân hình anh cao lớn cân đối. mặt vuông, mắt sáng, mũi cao, miệng rộng, tiếng nói sang sảng, đi đứng ung dung không hề vội vã, khúm núm, mặt ngửa lên khi phải bẩm báo từ các cụ tiên chỉ đến quan viên làng còn ít tuổi. Cái mà anh đặc biệt khác các đồng nghiệp mõ là các nhà có cỗ có bàn cưới xin, ma chay, giỗ tết, nếu không thèm nói một câu nhờ anh đến giúp thì nhất định anh không đến xin việc, xin ăn.

Dáng dấp anh, diện mạo anh, ngôn ngữ anh, phong độ anh mõ làng Nguyệt Đức khiến người trong làng cho đến dân chúng làng bên đều có ý nể nang, quý mến. Những ngày anh mới đến dân làng còn ngập ngừng gọi anh là mõ. Về sau, thấy anh khác lạ, toát ra một vẻ gì như cao sang, học thức, bà con trong làng bảo nhau đừng gọi anh là mõ, nghe nó thô bạo quá, phũ phàng quá đối với người nô bộc hình như giấu diếm một cái gì khác lạ trong cái tư thế đê hèn, bí mật. Cứ thế, dần dà có mấy cụ bà bắt đầu gọi là ông. “Ông mới ơi, sáng mai nhà tôi có tý việc, mời ông đến giúp chúng tôi tí chút nhé!” Ông mõ mà các cụ bà đổi thành ông mới, nghe nó đỡ chướng tai.

Sau này, chân tướng hé lộ dần hé lộ. Hóa ra anh mõ khiến cho thầy khóa phải nhìn anh một con mắt khác: sợ sệt và kính trọng vì anh đọc được chữ Nho, đọc được Kinh dịch, đọc được cả văn tự trên bia đá chính là một vị quan.

“Làm quan nhưng không chịu được triều đình vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, sợ giặc Tây hơn sợ cọp. Một người thi đỗ cả cử nhân văn, cử nhân võ. Ông đã đâm chết một thằng quan năm Pháp và một tên lính hầu, đang theo lệnh nó đuổi bắt hai cô gái trên cầu sông Hương. Một lúc,ông giết hai nhân mạng, hai kẻ thù trong những ngày đầu mất nước. Dư luận Huế xôn xao. Giặc truy lùng hung thủ. Ông bác phải đội lốt nghèo hèn để trốn tránh. Mẹ nghe đồn ông bác mới chết trong một cuộc đọ kiếm với cả một bầy giặc cướp ở Nhật trong khi ông một mình lặn lội đi tìm hoàng thân Cường Để…”- Mõ làng.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

(Trích Thuật hoài- Đặng Dung. Tạm dịch nghĩa: Gặp thời, ngay cả gã đồ tể và gã ngư phủ cũng dễ dàng thành công. Khi vận đã qua rồi, đến bậc anh hùng cũng chỉ nuốt hận mà thôi.)

Tìm hiểu thêm:  Bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người” (Robert Greene)

Câu chuyện về cô gái làng Sơn Hạ, cha con những người anh hùng đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Một tình yêu đẹp của Vĩnh (một người con trai tài giỏi) và Hồi (một cô gái tuyệt sắc làng Sơn Hạ), gặp phải sự ngăn cấm của gia đình Vĩnh vì họ tin tiếng đồn không tốt về ngôi làng mang tên Sơn Hạ rằng: “Làng Sơn Hạ là một thôn vạn chài khuất nẻo bên kia sông, trai làng thì vừa làm nghề chài lưới, vừa làm nghề trộm cướp, gái làng thì đĩ thõa, lẳng lơ anh em trong họ cứ hỗn dâm như thường. Người lương thiện không mấy ai nói đến nó, hoặc có nói thì cũng bằng một giọng rẻ khinh”. Nhưng Vĩnh vẫn “muốn yêu một cô gái khác thường, một mối tình liều lĩnh”.

Tiếng đồn là như thế nhưng sự thực hoàn toàn khác: “Người dân trên đảo đều rất đàng hoàng trong lời ăn tiếng nói. Phút giây đầu anh mến họ và họ cũng quý anh”. Chính bố vợ Vĩnh, thoạt nhìn dáng có vẻ suy nhược, tàn phế đến nới, lại là một con người toàn tài văn võ, khéo ẩn mình.

Và trong một đêm tối. Vĩnh xin bố Hồi được tham gia trận chiến “hai thuyền Tàu Ô ở Móng Cái sang, đem hàng lậu vào Cửa Tùng, rồi sau lại tính kéo sang vịnh Lục Cửa bán. Bố ra lệnh đánh, thuyền mình phục sẵn tại ngã ba sông Bạch Đằng gần cửa biển”. Quần chiến bằng mã tấu, côn kiếm một hồi, giặc biển chết nhiều trên mặt sóng, một số nhảy xuống bơi trốn chạy. Hồi cầm quân trận ấy, toàn thắng kéo về hai thuyền hang của Tàu Ô, chia đều cho dân đảo.

Vĩnh vuốt ve bàn tay trắng mịn của Hồi, bàn tay này đêm qua, đã thọc lưỡi kiếm suốt bụng qua lưng mấy tên cướp biển. Bàn tay dính máu. Tuy nhiên, Vĩnh vẫn thấy yêu bàn tay ấy, bàn tay người đẹp dám diệt cái ác, trừ cái hại cho thiên hạ.

Sau trận đánh, Vĩnh được bố Hồi giao cho một thanh cổ kiếm:

“Thanh cổ kiếm đã nhuộm nhiều máu giặc, dùng diệt trừ lũ quan văn bán nước, ôm chân giặc Pháp. Ta trao cho cháu. Kiếm báu cất lau hoen rỉ. Cháu dùng nó thay ta, thỏa mãn linh hồn các bậc tiền nhân tiền bối”.

Kiếp người lần ra mắt này như sự tri ân đối với cuộc đời cũng như văn nghiệp của riêng Ngọc Giao. Trong các trang văn, “tâm hồn trống trải như quán chợ chiều” đã được tái hiện lại thật thơ mộng nhưng cũng đượm buồn, bởi sự mất mát và các trải nghiệm mà cá nhân ông đã phải kinh qua. Có thể nói rằng tác phẩm lớn này như những mảnh ghép để làm đầy thêm một “tấn trò đời” mà ông nhọc công cố tái hiện lại (trích lời Minh Anh).