Bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người” (Robert Greene)

Bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người” (Robert Greene)

Trong nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, “Đâu là gốc rễ của mọi rắc rối mà con người chúng ta gặp phải”, tác giả Robert Greene đã đi đến kết luận, rằng đó chính là bởi sự thất bại trong việc thấu hiểu bản chất con người, và những quy luật định hình nên bản chất đó. Ông suy luận rằng, bởi vì là một “động vật xã hội”, chúng ta dành gần như hầu hết thời gian mỗi ngày để giao thiệp với người khác, và vì thế bạn không thể thành công nếu không am hiểu chính đối tượng chúng ta đang phải tương tác hàng ngày, hàng giờ. Trong buổi giới thiệu về quyển sách cho các kỹ sư phần mềm của Google, ông đã phát biểu rằng “Tôi không quan tâm bạn xuất sắc về mặt kỹ thuật như thế nào trong lĩnh vực của mình, hay bạn viết code giỏi đến mức nào hay bất cứ điều gì, nếu bạn không thể thấu hiểu người khác, bạn sẽ vô hiệu hóa mọi sức mạnh của mình.”

Xuyên suốt quá trình nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như khoa học thần kinh, sinh học tiến hóa, tâm lý học.. để lấy tư liệu viết sách, tác giả đã phát hiện ra ba khám phá cơ bản, cũng đồng thời là ba trụ cột nền tảng cho cuốn sách “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người”.

Điều đầu tiên, trong khoa học thần kinh, các nhà khoa học ước tính rằng 95% hành vi của con người là vô thức. Nói cách khác, 95% những gì chúng ta làm không bao giờ đạt đến mức độ ý thức chủ quan của chính bản thân mỗi người. Đặc biệt hơn, chúng ta không nhận thức được điều gì thực sự thúc đẩy hành vi của chúng ta, như thể bên trong chúng ta có một người lạ đang điều khiển hành vi của chúng ta.

Điều thứ hai, có rất nhiều yếu tố tác động dến quá trình tiến hóa hàng trăm nghìn, hàng triệu năm trước đã ăn sâu vào bộ não và cách chúng ta vận hành. Và rất nhiều thứ trong số này xuất hiện trong quá trình tiến hóa vì mục đích thích ứng với thời điểm chúng ta ở 500,000 năm trước nhưng lại không có nhiều mục đích ở hiện tại trong thế kỷ 21. Những lực cơ bản này rất nguyên thủy, và tác giả gọi đó là “bản chất con người”. Đây là những yếu tố về cơ bản quyết định rất nhiều điều chúng ta làm và tại sao chúng ta lại hành động như vậy.

Điều thứ ba, về cơ bản, bộ não con người mà tất cả chúng ta sở hữu đều giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Nói cách khác, có rất ít sự khác biệt giữa bộ não mà bạn sở hữu và một người nào đó ở quốc gia khác, những người sử dụng một loại ngôn ngữ khác hay bị ảnh hưởng bởi những nét văn hóa khác biệt. Và lý do là tất cả chúng ta đều tiến hóa từ cùng một nguồn gốc, cùng một nguồn, hàng trăm nghìn năm trước, rất lâu trước khi loài người lan rộng ra khắp thế giới. Vì vậy, những phát hiện mà tác giả nêu ra trong quyển sách có thể được thấu hiểu và áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt trình độ phát triển của xã hội, văn hóa hay chủng tộc. Nói cách khác, không ai có thể miễn trừ những quy luật này.

Bài học về việc làm chủ cái tôi cảm xúc – điều tôi tâm đắc nhất từ cuốn sách

Tác giả nhận định rằng, mỗi bộ não của chúng ta có thể được phân chia thành hai bộ phận, cảm xúc và lý trí, và chúng không nằm trong cùng một khu vực. Chúng bị ngăn cách bởi các lớp thành não và chúng không liên lạc với nhau. Đây chính là lý do vì sao hầu hết mọi người khó có thể hoàn toàn chi phối được cảm xúc khi đứng trước một quyết định khó khăn. Chúng ta không nhận thức được tất cả những điều đang diễn ra, và rằng việc cảm xúc của chúng ta thực sự quyết định phần lớn hành vi của chúng ta đến mức nào.

Ở đây, tác giả cũng để cập đến Nhà Kinh Tế Học, Daniel Kahneman (Giải Nobel Kinh Tế năm 2002 , tác giả của tựa sách nổi tiếng “Tư Duy, Nhanh và Chậm”). Kahneman cho rằng, yếu tố quyết định đến việc mua thứ gì đó hoặc đầu tư vào thứ gì đó của mọi người không phải là lý trí mà thực chất là dựa trên cảm xúc. Đây là một khám phá gần đây trong kinh tế học, và hầu hết chúng ta đều không nhận thức được điều đó. Chúng ta nghĩ rằng khi mua một sản phẩm, chúng ta đã thực hiện nghiên cứu của mình, và rằng chúng ta biết bản thân đang làm gì. Và bởi vì chúng ta không nhận thức được cảm xúc đang chi phối việc mua hàng, điều này mang lại cho những người làm marketing cơ hội để thao túng chính chúng ta..

95% quyết định của bạn, chiến lược bạn sắp thực hiện, bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tôi gọi đó là kịch bản màu hồng. Bạn luôn tưởng tượng ra trường hợp tốt nhất sẽ xảy ra từ việc này. Nhưng bạn không nhìn thấy tất cả những cạm bẫy tiềm ẩn. Vì vậy, bạn muốn loại bỏ tất cả những yếu tố cảm xúc này trước khi đưa ra quyết định. Trải qua quá trình này cuối cùng sẽ khiến bạn trở nên lý trí. Nói về cách cảm xúc chi phối chúng ta, rõ ràng có điều gì đó nổi lên trong quá khứ sâu xa của chúng ta và không thực sự thích nghi với nơi chúng ta đang sống hiện tại.

Tìm hiểu thêm:  Có một Hà Nội đa diện đa chiều qua Hà nội nhiều mây, có lúc mưa ngâu

Để mỗi người có thể thực sự thành công trong cuộc sống, điều tiên quyết, theo tác giả, đó chính là bản thân mỗi người phải làm chủ được cái tôi cảm xúc. Vậy đâu là những chiến lược giúp chúng ta có thể thực hiện điều này một cách hiệu quả? Tác giả đã nêu ra 5 chiến lược cụ thể:

1.Hiểu biết triệt để bản thân

Suy ngẫm về cách bạn hành động trong một tình huống căng thẳng, tìm ra những điểm yếu cụ thể trong những lúc như thế. Hãy nhìn vào những quyết định lúc bấy giờ của bạn và tự đặt ra câu hỏi “Liệu trong tình huống đó bạn có đã từng để cảm xúc lấn át lý trí”. Sau đó, liệt kê ra những điểm mạnh của bản thân, điều này sẽ giúp bạn quyết định về những mục tiêu ăn khớp với những lợi ích dài hạn của chính chính mình.

2. Kiểm tra tận gốc rễ những cảm xúc của bạn

Nhìn thẳng vào những cảm xúc mà bạn đang bày tỏ ra bên ngoài và chỉ ra đâu là nguyên nhân dẫn đến loại cảm xúc đó. Có thể là lòng đố kỵ hay sự hoang tưởng, sự bất an về chính điểm yếu của bản thân hay những tổn thương từ bé để đến tận bây giờ vẫn còn để lại những vết sẹo khó lành? Hãy cố gắng chọn một ví trị trung lập để từ đó bạn có thể quan sát hành động của mình với một chút sự khách quan cần thiết. Cảm xúc, tụ chung lại, là những bộc phát từ chính “bản ngã” của mỗi người, và không phải ai cũng học được cách “thao túng” bản ngã của chính họ.

3.Kéo dài thời gian trước khi phản ứng

Mỗi khi cần đưa ra một quyết định quan trọng, hãy tập thói quen rút về một nơi mà bạn có thể ở một mình mà không cảm thấy bất kỳ áp lực phải phản ứng nào. Đừng vội vàng gọi điện hoặc liên lạc với ai trong lúc đang có một cảm xúc bất ngờ nào đó, đặc biệt là sự oán ghét. Nếu bạn nhận thấy mình đang vội vàng cam kết với mọi người cho một kế hoạch tương lai lâu dài, lùi lại và đợi một vài ngày. Lắng dịu cảm xúc đó lại. Một khi bạn càng có nhiều khoảng trống tinh thần để thật sự suy ngẫm, tâm trí bạn càng trở nên mạnh mẽ.

Tìm hiểu thêm:  Chuyện kể Hà Nội, chân thật như người Hà Nội kể

4.Chấp nhận mọi người như thực tế

Khi phải đối mặt với người khác, hãy xem họ như những hiện tượng, có tính chất trung lập như những ngôi sao chổi hay cây cỏ. Họ chỉ đơn giản tồn tại. Họ xuất hiện trong sự đa dạng, khiến cuộc đời trở nên phong phú và thú vị. Hãy làm việc với thự họ trao cho bạn thay vì chống lại hay cố thay đổi họ. Biến việc thấu hiểu mọi người thành một trò chơi vui vẻ, thành việc giải những câu đối rắc rối. Một khi bạn để lớp màn cảm xúc cá nhân phủ lên lăng kính quan sát người đối diện, bạn sẽ không còn đủ sáng suốt để đối diện với người đó nữa.

5.Tìm ra sự cân bằng trong tư duy và cảm xúc

Hình dung cặp hình ảnh: người cưỡi ngựa và con ngựa. Con ngựa là bản chất nhiều cảm xúc của chúng ta, liên tục thôi thúc chúng ta di chuyển. Người cưỡi ngựa là bản ngã biết tư duy của chúng ta, thông qua rèn luyện và thực hành, nó cầm cương và dẫn dắt con ngựa. Con ngựa và người cầm dây cương và cùng nhau làm việc. Cân nhắc kỹ càng trước khi hành động, nhưng một khi đã quyết định làm gì, chúng ta nới lỏng dây cương, và bước vào hành động với sự táo bạo và một tinh thần mạo hiểm.

Lời kết..

Đây là quyển sách thứ hai của tác giả Robert Greene mà tôi có cơ hội đọc qua. Điều tôi tâm đắc nhất ở cuốn sách lần này so với tác phẩm “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” nằm ở việc tác giả xoáy rất sâu vào chủ đề tâm lý học hành vi, dẫn chứng ra những nghiên cứu khoa học chuyên sâu nhưng vẫn giữ được phong cách kể chuyện bằng chính những minh chứng trong lịch sử đã làm nên tên tuổi của ông. Qua tác phẩm, tôi có được những chiêm nghiệm cho chính bản thân, những bài học mà tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều trên chặng hành trình dài rộng sắp tới của cuộc đời. Cảm ơn các bạn đã lắng đọc.