CHUYỆN CŨ Ở SÓC TRĂNG: KÝ SỰ QUÝ CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN VỀ VÙNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

CHUYỆN CŨ Ở SÓC TRĂNG:  KÝ SỰ QUÝ CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN VỀ VÙNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

Sách “Vương Hồng Sển – Chuyện cũ ở Sốc Trăng” (tập 2) là tập ký sự của tác giả thuật lại những chuyện xảy ra với vùng đất Sóc Trăng những năm 1945-1947. Bằng lối kể chuyện đậm chất Nam Bộ, tác giả thể hiện tình yêu với quê hương, tâm tư trước những biến đổi thời cuộc thông qua những ghi chép của chính bản thân được dày công lưu giữ và sưu tầm.

LỐI KỂ CHUYỆN TỰ NHIÊN NHƯNG ẨN Ý SÂU XA

Những ghi chép của tác giả được viết như một cuốn sổ nhật trình nên mỗi sự kiện diễn ra hằng ngày hầu như đều có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, sự bắt đầu và kết thúc. Thông qua đó, độc giả có được sự đối chiếu cụ thể với hoàn cảnh lịch sử để có cái nhìn tường tận hơn với bối cảnh bấy giờ ở vùng đất Sóc Trăng.

Đọc sách, ta có cảm giác như một buổi hầu trà với ông, nghe ông kể lần hồi từng câu chuyện đã trải qua trong cuộc đời mình. Từ chuyện ông phải miễn cưỡng ra làm quan cho chính quyền Nhật cho đến chuyện tản cư khi giặc đến, những duyên cớ đưa đẩy ông rời quê hương để đến với mảnh đất Sài Gòn. Nhờ vậy, độc giả có dịp được nghe những mẩu chuyện quý giá về vùng đất Sốc Trăng dưới con mắt quan sát tinh tế, mang tính chiêm nghiệm từ ông.

Tìm hiểu thêm:  REVIEW SÁCH “KINH TẾ HỌC THỜI KHÓ NHỌC” (GOOD ECONOMICS FOR BAD TIMES)

Chúng ta cũng được thưởng thức cách viết văn rất dí dỏm của ông khi dùng nhiều cách ví von hài hước, gần gũi gắn với tích xưa như việc ông dùng biện pháp đối lập ví một tên quan cấp trên như Tiêu Hà đời Hán để mỉa mai hắn: “trên đầu tôi vẫn có một ngôi sao “sát tinh” “cỡ Tiêu Hà đời nay”, ẩn mặt nhưng giựt dây dụi một gốc thật lớn (D.K.H), Tiêu Hà đời Hán chỉ làm luật và thi hành luật, còn Tiêu Hà đời nay, mỗi bữa dạo ấy vẫn dắt bộ hạ là giáo Tường giáo Phiến ra ngồi tiệm lớn bắt dọn rượu cổ-nhác, la-ve ra nhậu nhưng không trả tiền”.

Ngoài ra, ông cũng dùng nhiều thành ngữ hay cách ví von thú vị như “áo công chức già”, “tréo cẳng ngỗng”, “đi mây về gió”,…tạo nên nét đặc sắc trong phương ngữ Nam bộ.

MỘT VÀI ĐIỂM NỔI BẬT TRONG TÁC PHẨM

Đọc tác phẩm, chúng ta thấy được tấm lòng yêu quê hương của tác giả Vương Hồng Sển thật đậm sâu thể hiện qua những trang viết. Ông cũng có những lúc cảm khái trước thời cuộc khi thời thế đổi thay, những người bạn cũ lần lượt ra đi, bản thân phải đi tản cư, sự miễn cưỡng khi làm việc cho chính quyền Nhật. Ông cảm thán: “gẫm lại tôi thấy đời làm “chủ đồn điền ăn ở cho biết điều”, vẫn thập phần sướng và khoẻ hơn nghề làm quan, khỏi thức khuya “phê”, “viết” và khỏi trình thưa vâng-dạ”.

Tìm hiểu thêm:  Trả Phí Mua Sự Chú Ý (Paid Attention)” của tác giả Faris Yakob

Để có được một tác phẩm công phu như “Chuyện cũ ở Sóc Trăng”, tác giả đã tốn nhiều công sức ghi chép, lưu giữ tài liệu suốt thời gian dài. Đọc tác phẩm, chúng ta biết rằng ông đã phản ánh rất trung thực những biến cố của thời cuộc nhằm coi đó như một tư liệu để trong tương lai có khi dùng đến. Có đoạn, ông chú thích rất kĩ như sau: “lời là của tôi gượng viết, chữ ký là của ông Đảnh ký gượng, chỉ thị trong bố cáo là do ông Nguyễn Văn Nghĩa vẽ ra, ngày nay độc-giả hiểu sao thì hiểu”.

NXB Trẻ vẫn giữ nguyên những từ ngữ, câu văn, lối diễn đạt xưa của ông, thể hiện sự tôn trọng lớn đối với tác giả. Đồng thời, góp phần phản ánh chân thực ngôn ngữ thời kì đó, là một tư liệu quý cho những nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ nước nhà. Nó cũng góp phần diễn đạt lối sống, phong tục người Nam Bộ xưa một cách gần gũi, dung dị hơn.

Sách sẽ là một lựa chọn xứng đáng cho những bạn đọc yêu mến tác giả Vương Hồng Sển, có mong muốn tìm hiểu về bối cảnh Nam Bộ nói chung, vùng đất Sóc Trăng nói riêng những năm 1945-1947.