Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi – Ivan Jablonka

Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi – Ivan Jablonka

“Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” là cuốn sách thuật lại lịch sử, văn hóa châu u, khơi gợi nhiều cảm xúc. Jablonka viết sách như một nhà sử gia. Ông kể lại những câu chuyện chân thực, éo le về gia đình qua lối viết đan xen giữa lịch sử và văn học, pha trộn những tư liệu hình ảnh, hồi ức, gặp gỡ nhân chứng. Điều này cho thấy văn chương và sử liệu luôn luôn song hành – GS.TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Cuốn sách kể lại hành trình của người cháu trai tìm về tung tích của ông bà nội gần như đã bị phai nhòa theo những bi kịch của thế kỷ XX. Trải qua dâu bể cuộc đời cùng những lần bị truy đuổi và bắt giữ, câu chuyện của ông bà Jablonka đã trở thành câu chuyện về số phận chung của những con người nhỏ nhoi bị cuốn vào dòng chảy khốc liệt của thời đại khi ấy.

Rong ruổi từ Ba Lan, Israel đến Hoa Kỳ và Argentina, tác giả Ivan Jablonka gần như đã “dành cả đời mình để theo đuổi” và viết nên quyển tiểu thuyết bằng những tư liệu ít ỏi còn sót lại. Bằng cách kể theo lối hồi ký, tác giả cứ thế vẽ nên hình hài của những con người vừa ruột thịt mà cũng vừa xa lạ, khái quát nên những phận đời vô danh nhưng chính họ lại tạo nên lịch sử.

Tìm hiểu thêm:  ĐỌC NẾP CŨ: LÀNG XÓM VIỆT NAM CỦA TÁC GIẢ TOAN ÁNH

Nội dung sách tưởng chừng chỉ là câu chuyện riêng của gia đình Jablonka nhưng lại phản ánh sâu sắc những thương đau của lịch sử mà thời gian không thể chữa lành. Nỗi mất mát mà tác giả phải gánh chịu vượt xa những đau khổ cá nhân bởi đó là nỗi mất mát của một thời đại. Nó phản ánh sự thù địch cực đoan và tàn bạo của Đức Quốc xã đối với người Do Thái và dẫn đến cuộc thảm sát kinh hoàng. Khái quát hơn, đó còn là tác phẩm lưu giữ chứng tích của lịch sử, viết về cuộc đời và phẩm giá con người.

Những hạt bụi của thế kỷ ấy không được an nghỉ trong những bình di cốt ở nhà thờ của dòng họ; những hạt bụi ấy lơ lửng giữa không trung, lắt lay theo chiều gió, ẩm ướt theo những bọt sóng, bao trùm lên những mái nhà trong thành phố, làm cay mắt chúng ta rồi bằng sự biến hóa nào đó, biến thành cánh hoa, sao chổi hay là chuồn chuồn, thành tất cả những gì nhẹ hẫng và chóng phai.

Ivan Jablonka vừa là tác giả vừa là sử gia. Ông đã có sự nghiệp đồ sộ trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, giảng dạy tại trường Đại học Paris-XIII-Nord và Đại học New York. Ngoài ra, ông cũng là ngòi bút tiêu biểu trong văn chương đương đại với các tác phẩm nổi bật như Đứa trẻ của Diệt chủng Do TháiLaëtitia hay là sự cáo chung của đàn ôngNhững chuyến xe trại hè,…

Tìm hiểu thêm:  CHUYỆN CŨ Ở SÓC TRĂNG: KÝ SỰ QUÝ CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN VỀ VÙNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

Kể từ khi xuất bản, quyển sách Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi đã được dịch sang 8 ngôn ngữ và nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả tại các quốc gia như Argentina, Chile, Nhật Bản và Việt Nam.

Năm 2012, quyển sách này đã giúp tác giả Ivan Jablonka giành nhiều giải thưởng quan trọng: Prix du Sénat du Livre d’histoire (giải Thượng viện dành cho sách lịch sử), Prix Guizot de l’Académie française (giải Guizot của Viện hàn lâm Pháp), Prix Augustin Thierry des Rendez-vous de l’Histoire (giải Augustin Thierry nghiên cứu sử học). Cũng kể từ tác phẩm này, ông được đánh giá là một trong những tác giả sáng giá của văn chương đương đại Pháp.