ĐỌC NẾP CŨ: LÀNG XÓM VIỆT NAM CỦA TÁC GIẢ TOAN ÁNH

ĐỌC NẾP CŨ: LÀNG XÓM VIỆT NAM CỦA TÁC GIẢ TOAN ÁNH

Tập sách Nếp cũ: Làng xóm Việt Nam nằm trong bộ sách Nếp cũ vừa được NXB Trẻ in lại vào quý I năm 2023. Sách là tập hợp những ghi chép, nghiên cứu của tác giả Toan Ánh với nội dung xoay quanh làng xã Việt Nam xưa. Trong đó, nổi bật là những nét tiêu biểu về văn hoá truyền thống Việt Nam tại vùng nông thôn cùng một số nội dung hấp dẫn khác.

NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU VỀ LÀNG XÓM VIỆT NAM

Tác giả giúp bạn đọc nhận diện một làng quê thông qua việc miêu tả chính ngôi làng của mình từ chiếc cổng làng, con đường, cây đa đầu làng cho đến luỹ tre, cánh đồng, con sông,.. Đây đều là những hình ảnh rất gần gũi, dung dị mà chúng ta có thể đã nghe qua nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Toan Ánh, chúng hiện lên thật sinh động, cụ thể. “Có đoạn, ông miêu tả con đường làng mình: “Con đường làng này, không phải nó đã đi thẳng một mạch từ đầu làng tới cuối làng đâu. Vào trong làng nó đã tách ra làm năm bảy nhánh đi vào năm bảy xóm lượn qua những bờ ao vườn chuối để đi đến tận từng nhà”.

Sách cũng có những lý giải cặn kẽ lí do vì sao “phép vua thua lệ làng”. Bởi lẽ, “làng xã là đơn vị nhỏ nhất của quốc gia, nhưng lại là đơn vị mạnh nhất, vì nếu tất cả các làng xã đều chống lại triều đình, lẽ tất nhiên không triều đại nào tồn tại được”. Và các triều đình phong kiến cũng dần đi đến sự chấp thuận nền tự trị của làng xã để duy trì một xã hội yên ổn.

Tìm hiểu thêm:  Review Sách "Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người"

Tác giả phản ánh khá rõ sự khác biệt trong sinh hoạt cá nhân của 4 hạng người: sĩ, nông, công, thương. Tuy mang những nét khác biệt về nghề nghiệp, nhưng tựu chung lại họ đều là những con người hăng say trong lao động, chăm chỉ làm lụng vì sinh kế. Riêng thành phần kẻ sĩ, công việc của họ nhàn hạ hơn và cũng nhận được sự trọng vọng của xã hội nhiều hơn.

Tế tự cũng là một trong những vấn đề nổi bật tại các làng xã Việt Nam. Tác giả Toan Ánh đã miêu tả khá chi tiết từ đối tượng thờ cúng, khảo tả những ngôi đình, đền, miếu mạo và đề cập đến một vài lễ cúng tiêu biểu tại đây. Những dấu tích văn hoá này phản ánh đời sống tinh thần phong phú của nhân dân trong các làng xã cổ truyền Việt Nam và cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta từ nghìn đời nay.

VÀ NHỮNG NỘI DUNG HẤP DẪN KHÁC

Sách góp phần làm đầy đặn thêm kho tàng văn hoá dân gian cho bạn đọc. Ông dẫn chứng rất nhiều các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, bài vè xưa khi miêu tả về cuộc sống đời thường của làng xã Việt Nam. Viết về sự ép duyên của các cô gái xưa, ông dẫn ra đôi câu: “Mẹ em tham thúng xôi rền/Tham con lợn béo tham tiền Cảnh hưng/Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ ngấm mẹ nguýt mẹ bưng xôi vào”. Hay viết về mong ước của đám trẻ chăn trâu, ông dẫn ra những câu hát của chúng: “Ngày xưa Ninh Thích chăn trâu/ Mà rồi mang ấn công hầu trâu ơi!/ Ngày nay mình nghé ta ngồi/ Mai sau ta có một thời hiển vinh”.

Tìm hiểu thêm:  Cuốn sách xinh xắn giúp bạn đọc mở ra kho báu bên trong bản thân

Nét đẹp trong tính cách con người Việt Nam hiện lên qua những hình ảnh được nhắc đến trong sách. Đó là tinh thần tương trợ trong nếp sống hằng ngày. Có công việc của làng, từ việc hiếu hỷ, ma chay cho tới từng bữa ăn hay những chuyện lặt vặt, mọi người đều xúm nhau lại hỗ trợ mà không đòi hỏi hay nghĩ ngợi điều gì. Hay những nét đẹp của hình ảnh người phụ nữ tảo tần ở xã hội xưa với đầy đủ nét công, dung, ngôn, hạnh hiện lên trong những trang viết của tác giả. Có đoạn, ông miêu tả: “thường buổi chiều, đi chợ về, nàng lại vào bếp làm cơm, và hàng ngày chỉ bữa cơm tối nàng mới được ăn cùng chồng cùng con, còn sáng và trưa nàng đều ăn một mình, và bữa trưa bao giờ cũng là cơm nắm cơm nguội mang ở nhà đi”.

Đọc sách, ta cũng có dịp ôn lại những tục lệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta luôn giữ một sự kính trọng với người đã khuất. Kể cả người đó đã từng là kẻ thù như Mã Viện, Sầm Nghi Đống,…chúng ta vẫn lập đền thờ, miếu thờ để thờ tự. Vì “đối với kẻ thù, người Việt Nam còn có lượng bao dung sau khi kẻ thù không còn nữa, và trong sự bao dung có lẫn phần kính trọng cái tinh anh con người của kẻ thù, huống chi lại đối với chính người Việt Nam, nhất là khi đây lại là những người trong họ ngoài làng”.

Tìm hiểu thêm:  Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi - Ivan Jablonka

Khép lại những trang sách, điều đọng lại trong mỗi chúng ta sẽ có thể là chút vấn vương với những mảnh hồn quê thật đẹp. Hay chút mơ mộng bởi một tâm hồn được vun đắp bởi những câu ca dao, những bài thơ, bài vè,..mà tác giả đã truyền tải suốt những trang sách. Tác giả Toan Ánh đã thật sự khắc hoạ lên một bức tranh đa sắc về làng xóm Việt Nam cổ truyền. Để từ đó, bạn đọc có thể coi đây như là một nguồn tham khảo quý, một tập sách cô đọng cho những nét tiêu biểu của làng xã Việt Nam xưa.