Đọc sách: Đằng sau “mưa ngâu” là chân dung Hà Nội

Đọc sách: Đằng sau “mưa ngâu” là chân dung Hà Nội

Hồ Anh Thái đã không ít lần viết về Hà Nội, truyện ngắn có, tiểu luận có, nhưng Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một cách độc đáo để nhà văn phác họa những chân dung đa chiều của Hà Nội thời chiến.

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, đấy là tên tiểu thuyết mới xuất bản của nhà văn Hồ Anh Thái và cũng là câu văn lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Cái tứ Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu dường như là ấn tượng của tác giả được gọi ra từ những ngày tháng Hà Nội đánh Mỹ, làm thành một ấn tượng trong cảm xúc của nhân vật chính xuyên suốt cốt truyện. Men theo đó, người đọc sẽ tìm thấy cho mình chân dung Hà Nội của những ngày oanh liệt thông qua mảnh đời của những con người bình thường, giản dị nhưng cũng rất khác thường, kỳ lạ.

Hồ Anh Thái có lần tâm sự cùng độc giả: “Đọc tiểu thuyết tức là ta đang được sống nhiều cuộc đời. Nói cách khác, giúp người ta sống nhiều cuộc đời là đích đến của tiểu thuyết”. Là một tiểu thuyết ngắn, với không gian không rộng, thời gian không quá dài nhưng Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu cùng câu chuyện của Phan, Kỷ, Thu và nhiều người Hà Nội trong thời chiến đã cho độc giả hôm nay được sống cùng cuộc đời, thân phận của thế hệ cha anh, những người đi qua khói lửa chiến tranh không chỉ bằng sự dũng cảm kiên cường, sẵn sàng hy sinh mà còn bằng lòng trắc ẩn vị tha, bằng sự tươi vui hóm hỉnh tếu táo; không chỉ bằng một hiện thực xuôi chiều sáng rực ánh hào quang mà còn bằng những góc khuất xù xì thô ráp mà tác giả không ngần ngại đề cập. Tất cả làm thành những cuộc đời, những chân dung đa chiều của Hà Nội.

Viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ, vẫn với những hầm trú ẩn, trận địa pháo phòng không, tên lửa, máy bay chiến đấu, bom rơi đạn nổ, chết chóc… nhưng nét độc đáo của Hồ Anh Thái trong tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là ở kết cấu đan cài giữa cốt truyện hiện thực huyền ảo và ngoại đề lãng mạn; đồng thời tác giả đã sáng tạo được nhiều chi tiết hư cấu vượt lên trên hiện thực nhưng vẫn hết sức chân thật gần gũi, logic với thực tế thời chiến. Tất nhiên sự chân thật của hiện thực tiểu thuyết không nhất thiết trùng khớp với hiện thực lịch sử.

Tìm hiểu thêm:  ĐỌC VƯƠNG HỒNG SỂN: CHUYỆN CŨ Ở SỐC TRĂNG (TẬP 2)

Phan là một chiến sĩ trẻ có thể nhìn xuyên thấu vật chất và một trực giác mẫn cảm đối với người thân hoặc những người anh đặc biệt quan tâm. Chính khả năng đặc biệt đó đã định hình cuộc đời Phan và công việc của anh.

Một ngày kia, bỗng nhiên Phan thấy bức tường quét vôi xanh nhạt trở nên trong suốt như tường kính nên Phan phát hiện được một kẻ đang làm gián điệp cho địch. Từ đó, hằng ngày, Phan được đưa đi trên một chiếc com măng ca qua các phố phường Hà Nội với nhiệm vụ thấy cái gì lạ trên đường đi, đằng sau những cánh cửa đóng kín, đằng sau những tường gạch cao thì báo cáo ngay cho cấp trên. Có lần anh gặp sự bất thường: một gã “cao bồi” thời chiến, bí mật tụ tập hát nhạc vàng như một kiểu thanh niên thích làm ngược với những gì chính thống bằng giọng ca chênh phô cùng những ca từ sến sẩm, giai điệu sầu não. Phan biết gã nhạc vàng là một phần của đời sống Hà Nội. Trong chiến tranh, những riêng tư ấy tạm lắng xuống, tạm khuất đi sau những cánh cửa sau những căn nhà chứ không biến mất.

Chữ đẹp, Phan được chuyển xuống tầng hầm, hằng ngày viết giấy báo tử. Mất khả năng nhìn xuyên thấu nhưng bù lại, Phan có trực giác mẫn cảm đến mức thần giao cách cảm với những người thân hay những điều làm Phan quan tâm chú ý. Ngồi trong phòng trực ban mà Phan thấy đảo lộn điên cuồng như thể Kỷ, anh trai Phan, phi công máy bay chiến đấu, đang nhào lộn thoát hiểm trên bầu trời trong cuộc đọ sức với máy bay Mỹ.

Hồ sơ báo tử ùn ùn chuyển đến mặt bàn của Phan. Mỗi một tờ giấy báo tử Phan viết đều như một cuộc đối thoại của Phan với liệt sĩ, là một hình dung của Phan về người thân của họ khi nhận tin. Trong số đó, có một hồ sơ mà khi mở ra, trong đầu Phan vang lên tiếng nói của liệt sĩ tên Thiện, chồng của Thu. Thiện là lính công binh hy sinh trên tuyến lửa miền Trung khi đang san lấp hố bom trên con đường sau những trận bom rải thảm. Phan mở tập hồ sơ có tờ giấy báo tử gửi cho người vợ của Thiện mà như thấy từng chi tiết về cái chết của Thiện khi anh đau đớn cùng đồng đội lái máy ủi san bằng núi lở, giải phóng mặt đường thông xe, đồng thời phải lấp luôn hang đá có chín cô gái thanh niên xung phong đang mắc kẹt bên trong.

Tìm hiểu thêm:  FoxConn đã giúp vực dậy Sharp như thế nào?

Đến đây, độc giả mới được Hồ Anh Thái hé lộ “mưa ngâu” Hà Nội. Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu. Hà Nội với biết bao con người sẵn sàng đi vào cuộc chiến với muôn vàn lý do. Trực giác của Phan đã đưa anh vào mối quan hệ tình cảm của những con người vừa xa lạ nhưng cũng rất gần gũi với mình. Tình cảm ấy là tình yêu thắm thiết nhưng cũng lắm day dứt vì có những lỗi lầm. Như thể chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ trong câu hát của gã nhạc vàng mà Phan đã tình cờ bắt gặp.

Khi tự biết được chuyện tình éo le của Thu, chính Phan đã phải thốt lên mà tin: “Một chuyện đời như thế là có thật. Tự mình không thể tưởng tượng ra được”. Và Phan cũng không hề biết Thu là người yêu của Kỷ anh trai mình.

Viết về cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội dưới sự oanh tạc của B-52 ngày ấy, tác giả Hồ Anh Thái không ngần ngại lồng vào đó để diễn tả những “chuyện đời có thật” mang nỗi niềm ngang trái của tình yêu trong chiến tranh. Để thấy trong đau thương chung của cộng đồng và dân tộc dưới bom rơi đạn nổ, mỗi người lính ra trận, mỗi người ở hậu phương còn mang trong mình những đớn đau riêng, không ai giống ai. Nhưng dù đau thương, họ vẫn sống trọn vẹn với vẻ đẹp tâm hồn mình: dũng cảm, thành thật, dám sống với những đam mê hay những trăn trở của chính mình. Như Thiện sẵn sàng lao vào mặt trận, Kỷ sẵn sàng bám trụ bầu trời trên máy bay chiến đấu, Thu sống cùng đam mê thuần phục những chú hổ dữ để đưa lên sân khấu xiếc giữa những ngày chiến tranh ác liệt và thiếu thốn. Và như Phan, luôn quan tâm trăn trở về những người bình thường xung quanh mình hơn là quan tâm đến việc mình luôn bị điều chuyển công việc, bị kỷ luật, còn người khác được thăng tiến hơn mình.

Tìm hiểu thêm:  Bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người” (Robert Greene)

Quan sát kỹ, người đọc sẽ thấy trong việc tổ chức cốt truyện cho tiểu thuyết này, nhiều lúc, Hồ Anh Thái “rẽ nhánh” ngoại đề, đưa người đọc xa cốt truyện chính một chút. Những lúc “rẽ nhánh” như vậy, tác giả như đang kể thêm để người đọc gặp được những chân dung khác của Hà Nội.

Bên cạnh cốt truyện chính còn là những phần ngoại đề được Hồ Anh Thái gia công chăm chút, làm thành một phần không thể thiếu trong Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu khi tái hiện gương mặt thủ đô thời ấy. Đó là những phút bình yên của Hà Nội giữa thời chiến với bia hơi vỉa hè cùng những tếu táo của lính, trẻ trung hồn nhiên, đầy mơ ước về hòa bình chiến thắng; hay chuyện tân binh tình nguyện đi bộ đội, chụp ảnh kỷ niệm bên Bờ Hồ cùng cô bán bia hơi; là những buổi sinh hoạt âm nhạc kín đáo của những nhóm bạn trẻ để hát lên những bài hát mình thích mà không ngần ngại; cũng có khi là cả những khốn khó của đời sống hàng ngày như thiếu lương thực, mất sổ gạo; là chuyện ông chủ nhiệm hợp tác xã xe thô sơ từng học ở Liên Xô; thậm chí cả chuyện mấy anh B quay đào ngũ…

Liền sau tiểu thuyết Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên ra mắt đầu năm 2022, tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu ấn hành lần này càng thêm chứng tỏ Hồ Anh Thái là một nhà văn dồi dào về đề tài, đa dạng về phong cách và lúc nào cũng miệt mài sáng tạo cùng con chữ.