FoxConn đã giúp vực dậy Sharp như thế nào?

FoxConn đã giúp vực dậy Sharp như thế nào?

Sharp là doanh nghiệp trăm năm, là niềm tự hào của người dân Nhật Bản. Thế nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới năm 2008, từ những quyết định sai lầm của bộ máy lãnh đạo, công ty rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tình thế buộc Sharp phải “bán mình” cho FoxConn, gã khổng lồ ngành lắp ráp chế tạo của Đài Loan vào tháng 8-2016. Để vực dậy Sharp, Quách Đài Minh (Terry Guo) – sáng lập và cũng là chủ tịch của FoxConn cử người cộng sự đắc lực của mình là Đới Chính Ngô tới Sharp đảm nhận chức chủ tịch. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 104 năm, Sharp được dẫn dắt bởi một người ngoại quốc (không phải mang dòng máu Nhật Bản).

Quách Đài Minh vạch ra chiến lược, Đới Chính Ngô nghiêm túc thực thi. Đơn phương độc mã tiếp quản Sharp, Đới Chính Ngô có nhiều việc phải làm – vừa phải chỉnh đốn lại một nội bộ rệu rão sau những năm tháng bết bát, vừa phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp mới (dung hòa giữa FoxConn và Sharp, giữa văn hóa Đài Loan và tinh thần Nhật Bản), lại vừa phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp của Sharp để nhằm thu phục nhân tâm, chiếm được cảm tình của người dân đất nước mặt trời mọc.

Cặp bài trùng Quách Đài Minh – Đới Chính Ngô (Nguồn: Reuters/Tyrone Siu)

Trong cuốn sách “FoxConn dẫn đầu và chiến thắng như thế nào?”, tác giả Alice Yang kể một câu chuyện đầy thú vị về mối “lương duyên” giữa 2 doanh nghiệp Đông Bắc Á, với những tình tiết li kỳ, hấp dẫn, những chi tiết được khắc họa rõ nét về chân dung của người sáng lập Sharp, của Quách Đài Minh và của cả Đới Chính Ngô, để rồi từ đó gợi lên những đúc kết quý báu về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, cách người lãnh đạo vượt qua nghịch cảnh để đưa con tàu về quỹ đạo, và tầm nhìn của một doanh nhân thành đạt.

Dưới đây là tổng hợp ba sách lược quan trọng mà tác giả nghĩ là cốt lõi trong công cuộc “phục hưng” Sharp của cặp bài trùng FoxConn.

Từ ngày tiếp quản Sharp, Quách Đài Minh cùng Đới Chính Ngô cùng nhau đi khắp thế giới thu hồi quyền đại lý thương hiệu, tái cơ cấu hệ thống tổ chức, đưa Sharp vào quỹ đạo mới (truyền thông Nhật Bản gọi là FoxConn hóa). Khi đóng cửa chi nhánh Tokyo, 600 nhân viên được luân chuyển sang làm việc ở những nơi phù hợp với chuyên môn của họ. Ông Đới cũng quyết tâm thay đổi văn hóa “Nhật” trong môi trường của Sharp, từ việc đề cao “quyết sách tập thể” chuyển sang áp dụng chế độ thủ trưởng, phân quyền hạng cao hơn cho những quản lý cấp trung, cho họ toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền.

Quách Đài Minh tâm niệm, năng lực thực thi dựa trên 2 yếu tố: tốc độ và sự chính xác. Chính vì thế, nếu ưu tiên tinh thần tập thể giống cách làm xưa, phải chờ đến khi đạt được đồng thuận số đông, thì mọi chuyện đã muộn màng. Chính cách giao quyền cho người quản lý bộ phận khiến quá trình đưa ra quyết định trở nên nhanh chóng, và công việc được gấp rút hoàn thành.

Trước đây Sharp vận hành theo phong cách Nhật, chất lượng số một, giá thành cũng phải số “một” (đắt nhất), nên dần dà về sau bị nhiều sản phẩm “hàng ngon – giá tốt” của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan vượt mặt. Chiếc lược cải cách của FoxConn rất rõ ràng, tiết kiệm chi phí là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Ngày thứ hai sau khi nhậm chức Chủ tịch, ông Đới và các chủ quản của Sharp họp nguyên một ngày, xác lập hơn 30 việc cần làm ngay để cắt giảm chi phí. Nhà cung ứng linh kiện cho màn hình tinh thể lỏng của Sharp đều là doanh nghiệp Nhật, giá cả tất nhiên đều rất cao. Đới Chính Ngô yêu cầu cấp dưới đàm phán lại giá với bên cung ứng, nếu không giảm thì chuyển sang mua của Đài Loan, chỉ riêng khoản này đã giúp Sharp tiết kiệm được 10 tỷ Yên, chiếm ⅓ số tiền thua lỗ.

Tìm hiểu thêm:  Review Hoàng Tử Bé - Cuốn Sách Kì Lạ Được Viết Bởi Một Tác Giả Kì Lạ

Quách Đài Minh rất chú ý tới việc gia tăng giá trị cho sản phẩm. Ông tâm niệm Sharp có công nghệ lõi, có đội ngũ kĩ sư giỏi hàng đầu thế giới nhưng chưa tận dụng được điều đó triệt để. Với khả năng của FoxConn chuyên về mảng lắp ráp, gia công sản phẩm, cộng với mối quan hệ của Quách Đài Minh với nhiều tên tuổi lớn, điển hình là Mã Vân (Jack Ma) của Alibaba, không khó để cho Sharp một khi về tay của FoxConn có thể đưa đến nhiều sản phẩm chất lượng đến một bộ phận người tiêu dùng rộng lớn.

Ngày 11/11 vốn là Lễ độc thân tại Trung Quốc, được Alibaba biến thành lễ hội mua sắm lớn nhất năm, các doanh nghiệp, trong đó có Sharp cũng tranh thủ cơ hội để đẩy sales, thu hút người tiêu dùng. Chương trình “Mua TV Sharp 70 inch, tặng kèm TV 60 inch” lập kỷ lục lượng TV bán ra trên sàn tmall.com của Alibaba, với hơn 10,000 TV được bán ra chỉ sau 1 giờ đầu tiên. Doanh thu trong ngày 11/11/2016 của Sharp lên đến 3 tỷ đô la Đài Loan theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc. Trong 4 tháng sau đó, Sharp bán được thêm 1 triệu chiếc TV ở thị trường tỉ dân nữa.

Quách Đài Minh chụp hình với Mã Vân (Jack Ma) cùng chủ tịch Masayoshi Son của SoftBank (Nguồn: AFP)

Gặt hái quả ngọt

Ban đầu Quách tổng tuyên bố nhanh thì hai năm, chậm nhất là bốn năm thì Sharp sẽ chuyển từ lỗ sang lãi. Nhưng Đới Chính Ngô đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn, đến cuối năm 2016 đưa ra bảng thành tích khả quan. Doanh nghiệp Nhật thường có phong cách làm việc chậm rãi, song với FoxConn, công ty lấy tốc độ làm thước đo thì không chấp nhận điều đó. “Chúng tôi dành nhiều thời gian để suy nghĩ và cân nhắc nên sử dụng chiến lược hồi sinh chậm rãi kiểu chữ L, hay tốc độ kiểu chữ V. Cuối cùng chúng tôi đã chọn kiểu chữ V”, Quách Đài Minh nói, tốc độ đã cắm rễ vào ADN của FoxConn.

Tìm hiểu thêm:  “Có một Hà Nội trong tôi” – Bức tranh hoài niệm giàu xúc cảm

Bảng lợi nhuận vận hành (tỉ Yên) trong các năm của Sharp sau khi được Hon Hai (FoxConn) kiểm soát (Nguồn: Financial Times)

Dù sao đi chăng nữa, con đường của FoxConn với Sharp vẫn là một chặng đường chông gai, đòi hỏi ý chí kiên cường của người lãnh đạo, sức mạnh của tập thể và một môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi  (thiên thời – địa lợi – nhân hòa). Nhưng nếu đọc hết cuốn sách “FoxConn dẫn đầu và chiến thắng như thế nào”, thì bạn sẽ hiểu rõ Quách Đài Minh không phải là người đợi chờ điều kiện bên ngoài thuận lợi mới triển khai sách lược của mình.

Đối với Quách tổng, “Chí lớn xa vạn dặm, tâm tư mỏng như tơ”. Trong cuộc sống của chúng ta, để tìm kiếm cơ hội mới, sáng tạo giá trị mới, thì cần phải đối mặt rủi ro, xây dựng khả năng đương đầu với rủi ro, rồi dũng cảm tiến lên phía trước.