KÝ ỨC LỊCH SỬ VỀ SÀI GÒN VÀ CÁC VÙNG PHỤ CẬN: MỘT NGUỒN SỬ LIỆU QUÝ VỀ VÙNG ĐẤT SÀI GÒN

KÝ ỨC LỊCH SỬ VỀ SÀI GÒN VÀ CÁC VÙNG PHỤ CẬN:  MỘT NGUỒN SỬ LIỆU QUÝ VỀ VÙNG ĐẤT SÀI GÒN

Sách Ký ức lịch sử về sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích phác hoạ hình ảnh vùng đất Sài Gòn buổi ban đầu cùng tiến trình phát triển của nó cho đến khi đứng trước những thay đổi lớn với dự án quy hoạch thành phố của Trung tá Công binh Pháp Coffyn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã rất tinh tế khi lồng ghép trong sách hai phần nội dung quan trọng, ông viết điều này trong lời tựa như sau: “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) là đề tài của Trương Vĩnh Ký diễn thuyết mà tôi dịch ra….Thêm vào tập sách nhỏ này, tôi dịch tư liệu và bản đồ của trung tá Coffyn với nhan đề Saigon ville de 500.000 ames (Sài Gòn thành phố 500.000 dân). Trương Vĩnh Ký nói về quá khứ Sài Gòn. Còn Coffyn nói về tương lai Sài Gòn”. Qua ghi chép của 2 nhân vật cùng thời, diện mạo Sài Gòn thời điểm bấy giờ được khắc hoạ thêm phần toàn vẹn và có chiều sâu.

Đọc tác phẩm, chúng ta như sống lại cùng vùng đất Sài Gòn thời kì đầu với những biến cố và câu chuyện lịch sử. Đó là về sức ảnh hưởng to lớn của Lê Văn Duyệt với vùng đất Gia Định xưa, cuộc nổi dậy bị đàn áp dã man của Nguyễn Văn Khôi, những tên gọi các địa danh gắn với Sài Gòn xưa và nay .

Tìm hiểu thêm:  MƯỜI BÀI HỌC VỀ THÀNH CÔNG CỦA ÔNG CHỦ BURGER KING

Sách giúp chúng ta hình dung ra một Sài Gòn thời giữa thế kỉ XIX với đầy đủ các địa danh nổi bật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã có thêm phần chú thích các tên gọi mới. Qua đó, chúng ta có thể đối chiếu để hiểu về quá trình biến đổi của các tên gọi xưa và ý nghĩa ban đầu của nó. Những tên đường thời Pháp tới nay đổi tên gọi mới như: đường Catinat (Đồng Khởi), đường Citadelle (Tôn Đức Thắng), đường Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa),… Sách cũng lý giải các tên gọi các địa danh như rạch Bến Nghé “đặt tên Bến Nghé vì xưa kia trong rạch có trâu và nhiều trâu nhỏ (nghe) đến tắm”.

Dự án quy hoạch thành phố Sài Gòn của Trung tá Công binh Pháp Coffyn ở phần sau sách giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về diện mạo cũng như bối cảnh lịch sử thời điểm bấy giờ, khi chính quyền thuộc địa bắt đầu thực thi các chính sách cải tổ đầu tiên. Không chỉ thế, bản quy hoạch này cũng sẽ là nguồn sử liệu quý giá cho việc khảo cứu về vấn đề hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu.

Với những giá trị quý báu trên, sách sẽ góp thêm vào kho sử liệu nước nhà những nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và nay.

Tìm hiểu thêm:  FoxConn đã giúp vực dậy Sharp như thế nào?