Những phận đời bé nhỏ từ “Lưng người thăm thẳm”

Những phận đời bé nhỏ từ “Lưng người thăm thẳm”

Tiếp nối những tác phẩm dành cho người lớn lẫn thiếu nhi, mới đây, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang vừa ra mắt tập truyện ngắn “Lưng người thăm thẳm” (NXB Trẻ), kể về những phận đời bé nhỏ, trôi dạt, ở bên rìa xã hội, nhưng vẫn cố gắng đối xử với nhau bằng tình thương, đấu tranh để giằng níu những điều tốt đẹp của con người và cuộc đời.

Trang viết của Vũ Thị Huyền Trang đầy ắp tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản tâm hồn nhiên, chân thành, thuần hậu. Trong những câu chuyện của chị, nơi gửi gắm, đại diện cho sự trong lành của tâm hồn chính là thiên nhiên, và thương núi rừng cây cỏ chính là để thương mình, thương người quanh mình.

Lật giở cuốn sách, bạn đọc sẽ bắt gặp những con người rất đỗi nhỏ bé của đời thường, những người mà có lẽ ai cũng từng bắt gặp, từng lướt qua trong đời. Đó là anh tài xế lái xe đường dài, là người phụ nữ quê ra chợ bán rau, là cô nhân viên tiệm spa làm đẹp, là người đàn ông đi xuất khẩu lao động…

“Lưng người thăm thẳm” là tập truyện ngắn tinh tế và sâu lắng của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang

Đó là những con người trôi dạt, cầu bất cầu bơ, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về. Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân để nuôi lấy hai đứa con… Tất cả đều vật lộn với cuộc sống: đói nghèo, cảm giác lạc lõng, nỗi ân hận vì tội lỗi… Họ lầm lũi, đau đớn, bị giằng xé và dằn vặt.

Tìm hiểu thêm:  Review Top 20 những cuốn sách hay nên đọc nhất để phát triển tư duy – Siêu Thị Sách & Tiện Ích Nhân Văn

Họ muốn thoát ra, vươn tới một nơi tốt hơn, bình yên hơn, để sống theo cách khác, sống đúng với chính mình. Họ bấu víu một điều gì đó, để giữ lấy những điều tốt đẹp còn sót lại bên trong con người mình, bảo vệ lấy nhân phẩm và bảo vệ người thân thương.

Trong những câu chuyện của Vũ Thị Huyền Trang, những điều con người níu lấy chỉ là những cái giản dị nhất, bé nhỏ nhất của đời người: món canh rau sắn, chút mứt gừng, tiếng càm ràm của người quan tâm ta, đứa con luôn ôm sách vở, ký ức… Mà giữ chặt nhất, chính là giữ lấy nhau. Những người nghèo khổ, trôi dạt, bơ vơ tạo nên một chốn về, một nơi nương tựa cho người cùng khổ.

Một chủ đề lớn trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang là thông điệp bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của con người. Thiên nhiên hoang sơ dường như là đại diện cho những điều trong lành, thiện lương nhất.

Tội lỗi lớn nhất trong cuốn sách là tội hủy diệt thiên nhiên. Trong nhiều truyện ngắn, những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều bị hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng. Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng để đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn nhủi, đi đâu cũng gặp “những cánh rừng trọc lốc” “không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn”. Đó là Nhẫn với vườn rau trước và vườn rau sau nhà, cái để bán cho người khác, cái để cho gia đình mình ăn. Đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ.

Tìm hiểu thêm:  Bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ “Những Quy Luật của Bản Chất Con Người” (Robert Greene)

Vũ Thị Huyền Trang nuôi mơ ước màu xanh, thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì đó là nơi gửi gắm những tình cảm tốt lành, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai.

Lưng người thăm thẳm là một tập truyện nhỏ chất chứa những tình cảm và tâm nguyện bé nhỏ, dịu dàng của những con người khốn cùng, bé nhỏ. Được viết bằng sự chăm chút, chân thành và những lời văn tinh tế như thơ, cuốn sách sẽ lay động mỗi con người, thúc giục ta thương mình, thương người, thương màu xanh của chúng ta.

THEO BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG