SÁCH MỚI CỦA ROBERT GREENE LIỆU CÓ ĐÁNG ĐỂ BẠN CÂN NHẮC?

SÁCH MỚI CỦA ROBERT GREENE LIỆU CÓ ĐÁNG ĐỂ BẠN CÂN NHẮC?

Nếu đã là “fan trung thành” của Robert Greene hay chí ít đã từng đọc qua một vài tác phẩm nổi tiếng của ông như Quy Luật Bản Chất Con Người (The Law of Human Nature) hay 48 Nguyên Tắc chủ chốt của Quyền Lực (48 Laws of Power), chắc hẳn bạn sẽ phải cân nhắc “The Daily Laws – Nguyên Lý Thường Nhật: 366 Suy ngẫm về Quyền Lực, Quyến Rũ, Làm Chủ, Chiến Lược và Bản Chất Con Người). Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là một tác phẩm “xào nấu” lại từ những nội dung trước đó mà tác giả đã giới thiệu qua những tác phẩm trước đây. Vậy liệu rằng đây có đúng là một nhận xét chuẩn mực?

Trước hết, cần phải thừa nhận một điều rằng, nếu bạn đã đọc qua các tác phẩm của Robert Greene như Nghệ thuật của sự Quyến rũ (The Art of Seduction), Quy Luật Bản Chất Con Người (The Law of Human Nature) hay 48 Nguyên Tắc chủ chốt của Quyền Lực (48 Laws of Power) thì nội dung của The Daily Laws sẽ không hẳn là quá mới mẻ. Chính bản thân tác giả cũng đã thừa nhận trong phần mở đầu của quyển sách rằng “Các nội dung bài đọc trong quyển sách này được chọn lọc từ năm quyển sách [đã xuất bản] của tôi”. Tuy nhiên có một vài điểm khác biệt căn bản:

1) Cách trình bày của The Daily Laws được chia thành những đoạn (block) thông tin nhỏ, theo như đúng tên gọi của quyển sách “The Daily Laws”, sẽ có 366 block thông tin tương ứng với 366 ngày của một năm. Điều này khiến cho nội dung được tiêu thụ một cách dễ dàng hơn, các bài học cũng được chắt lọc hơn và vì thế thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm cũng được truyền tải một cách trực diện nhất có thể.

(+) Điểm tích cực: Điều này sẽ phù hợp với những cá nhân chưa từng hoặc chỉ mới tiếp xúc với các tác phẩm trước đây của Robert Greene, đặc biệt là đối với những ai mong muốn nhận được nhiều bài học trực diện nhất có thể. Cách truyền tải của tác phẩm lần này của Greene cơ bản là dành cho những người tìm kiếm giải pháp một cách nhanh chóng, tinh gọn và ít tốn thời gian.

(-) Điểm tiêu cực: Ngược lại, đối với những ai đã “quen” với lối hành văn trong 2 tác phẩm “kinh điển” trước đây của tác giả (Quy Luật Bản Chất Con Người & 48 Nguyên tắc Chủ chốt của Quyền Lực) thì đây có thể được xem như là một món ăn tương đối “lạ lẫm”. Nếu bạn đã chót “say mê” với lối hành văn kể chuyện trước, tóm lược và đề ra bài học sau, thì nội dung của quyển sách lần này sẽ có cảm giác hơi.. chóng vánh. Nếu bạn đã lỡ trót say mê với những câu chuyện về lịch sử, triết học và chính trị của Greene thì lần này có thể sẽ hơi thất vọng vì tác giả đã lược bỏ đi những câu chuyện như vậy để giữ cho những bài học được tinh gọn và trực diện nhất có thể.

Tìm hiểu thêm:  Những phận đời bé nhỏ từ "Lưng người thăm thẳm"

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tác phẩm lần này vẫn có thể được xem như là một phiên bản tóm lược của các sách từng được xuất bản trước đây của Robert Greene. Và không loại trừ khả năng những “fan cứng” của ông vẫn sẽ cảm nhận được giá trị của quyển sách từ chính yếu tố câu chuyện được lược bỏ và tập trung cho những nguyên tắc và bài học trực diện.

2) Tuy những bài học được phân xẻ ra thành 366 bài học riêng lẻ, nhưng các sắp xếp các bài học lại thành từng nhóm mang rõ chủ ý của tác giả trong việc xây dựng nên một khung sách chỉn chu, toàn vẹn. Sách được chia thành 12 chương tương ứng với 12 tháng của một năm, với từng chương được mang một chủ đề khác nhau. Ví dụ như tháng 1) là “Sức mệnh cuộn đời: Gieo trồng hạt giống làm chủ” hay tháng 2) sẽ là “Cách tập sự lý tưởng: Chuyển hóa bản thân”. Toàn bộ những câu chuyện gắn với những ngày trong tháng đều sẽ liên quan đến nội dung tiêu đề của mỗi tháng, điều này giúp cho mỗi phần đều khá mạch lạc, rõ ràng.

Bên cạnh đó, để tránh sự dàn trải, tác giả cũng đã chủ ý sắp xếp các tháng liền nhau vào một ô chủ đề lớn, chẳng hạn như 3 tháng đầu tiên sẽ nói về cách giúp độc giả rũ bỏ những tiếng nói ngoại tạo bảo bạn phải theo con đường nghề nghiệp nào, thay vào đó sẽ kết nối bạn với tiếng nói nội tại của chính bản thân. 3 tháng kế tiếp sẽ huấn luyện để bạn nhận ra bản chất chính trị của thế giới công việc. 3 tháng sau đó sẽ là kim chỉ nam cho mục tiêu thuyết phục và tạo ảnh hưởng lên người khác và 3 tháng cuối cùng sẽ nói về các động lực ngầm điều khiển hành vi của con người và của cả chính bạn.

(+) Điểm tích cực: Rõ ràng chúng ta thấy được điểm tích cực của việc sắp xếp bố cục như trên là giúp cho độc giả có một cái nhìn bao quát về những điều tác giả muốn truyền tải. Bên cạnh đó, mỗi chương đều có phần mở đầu để giới thiệu phần nội dung theo sau trong 30 hoặc 31 ngày sau đó, điều này cho phép chúng ta thấy được tính bao quát của những bài học được gửi gắm ở những trang sách theo sau.

Tìm hiểu thêm:  Review Sách Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải

(-) Điểm tiêu cực: Cũng cần phải nói thêm từ ý kiến chủ quan của bản thân tôi, việc tác giả cố gắng chi tiết hóa các bài học thành 30 ngày (hoặc 31 ngày) khác nhau của trong một tháng dù có vẻ khá khoa học, nhưng việc triển khai đâu đó vẫn gặp một số vấn đề khó giải quyết. Ví dụ như việc 30 bài học trong 1 tháng được triển khai một cách khá rời rạc, thiếu tính liên kết và đâu đó vẫn có cảm giác tác giả cố gắng phân tách ra nhiều bài học để “cho đủ” số ngày trong một tháng.

Nhìn chung, nếu không quá khắt khe về cách bố trí nêu trên thì đây vẫn là một cách hành văn độc đáo, mới mẻ của Robert Greene, giúp cho độc giả nhanh chóng có được những chiêm nghiệm và bài học giá trị.

3) Những yếu tố mới mẻ vẫn được tác giả cài cắm vào quyển sách, đơn cử là việc Robert Greene tiết lộ rằng nội dung của quyển sách lần này cũng sẽ bao gồm một phần trong quyển sách mà ông đang chắp bút có tên gọi là The Law of Sublime (tạm dịch: Nguyên lý của sự tuyệt vời). Một điều mà bản thân tôi cũng cảm thấy “hay ho” khác về cách trình bày của quyển sách lần này đó là việc “tiêu thụ” nội dung của nó không quá “mất sức” như các tác phẩm trước đây.

Tưởng tượng rằng, bạn mua quyển sách và có thể lựa chọn một ngày bất kì (ví dụ như Ngày sinh nhật của bản thân, hoặc chính ngày hôm nay, hay đơn giản là một ngày mang ý nghĩa đặc biệt với bản thân bạn), và chỉ mất khoảng 3-5 phút để có thể tiêu thụ hết nội dung mà tác giả gửi gắm. Cũng vì cách bày biện thông tin như vậy mà tôi có cảm giác quyển sách này là một người bạn đồng hành thú vị trong suốt 366 ngày của một năm. Các bài học cũng được trình bày một cách sao cho nó có thể đứng một mình mà không quá phụ thuộc vào những chương khác hoặc những ngày khác, đây chính là điểm giúp cho cuốn sách dễ “tiêu thụ” như tôi đã đề cập đến ở trên.

Tìm hiểu thêm:  Có một Hà Nội đa diện đa chiều qua Hà nội nhiều mây, có lúc mưa ngâu

Tụ chung lại, tác phẩm lần này của Robert Greene có thể được ví như “tinh hoa hội tụ” của rất nhiều quyển sách đã ra mắt (và sẽ ra mắt) của ông. Tuy nhiên, việc bạn cảm nhận về nó như thế nào phụ thuộc rất lớn vào khái niệm của chính bạn về một cuốn sách hay, đồng thời phụ thuộc vào độ hấp thụ của bạn đối với những kiến thức mà tác giả muốn gửi gắm. Nếu bạn là một người yêu thông tin và muốn ngấu nghiến nghiền ngẫm mọi ngóc ngách về một khía cạnh của một vấn đề nào đó, thì có thể đây chưa phải là một lựa chọn thực sự phù hợp. Nếu bạn chưa từng trải qua những tình huống mà quyển sách đề cập đến hay đơn giản là còn quá trẻ để có thật nhiều trải nghiệm, cũng có thể bạn nên “trải đời” trước rồi hẵng “đọc tóm tắt” về nó sau.

Dĩ nhiên, vẫn sẽ có những người tiếp xúc với cuốn sách theo hướng muốn có thật nhiều, thật nhanh những tóm lược hay ho, muốn được nhanh chóng cảm thụ và vận dụng những “nguyên lý” của tác giả vào chính cuộc sống bản thân. Hoặc cũng có những người đã “kinh” qua nhiều trải nghiệm trong cuộc đời để chỉ cần 1-2 trang sách là thấu được những triết lý của tác giả. Nếu bạn thấy mình chính là những người như vậy thì quyển sách này sinh ra là dành cho bạn.

Dù sao thì, hãy giữ đầu óc rộng mở để đón nhận quyển sách nhé, những điều viết nêu trên đơn thuần cũng chỉ là trải nghiệm của bản thân một mình tôi mà thôi. Chúc các bạn đọc sách vui và có thật nhiều chiêm nghiệm, bài học quý giá.