Tại sao nói “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” là một trong những quyển sách gây tranh cãi nhất thế kỷ XXI?

Tại sao nói “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” là một trong những quyển sách gây tranh cãi nhất thế kỷ XXI?

Tác phẩm “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” (Tựa tiếng Anh: 48 Laws of Power) của tác giả Robert Greene là một tác phẩm gây nên rất nhiều tranh cãi, với hàng hoạt ý kiến trái chiều đến từ độc giả cũng như giới chuyên gia. Thậm chí ở một số nhà tù tại Mỹ, quyển sách còn bị cấm với lý do không được để các tù nhân tiếp cận với quyển sách vì nó sẽ dạy cho họ những phương thức “thao túng tâm lý” quản ngục. Ngay cả khi tôi mới đọc mở đầu của sách, tôi cũng đã bị khựng lại bởi dòng đề từ bởi nhà xuất bản Trẻ “Mặc dù đôi chỗ có những cách nhìn, cách biện luận, cách trích dẫn, cách phân tích, cách đánh giá của tác giả có thể là không phù hợp, chúng tôi giữ đúng theo văn bản bản gốc, với mong muốn bạn đọc Việt Nam tiếp nhận trọn vẹn tinh thần, tư tưởng, phương pháp của Robert Greene ở tác phẩm này.”

Vậy thì, tại sao quyển lại lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều như vậy?

Trước hết cần nắm rõ quyển sách là tập hợp những bài học mà tác giả đúc kết nên xoay quanh 2 chữ “quyền lực”. Qua quá trình nghiên cứu hành vi con người, phân tích những mặt tích cực cũng như tiêu cực từ mà những hành vi ấy đem lại, chiếu theo những câu chuyện trong quá khứ của các bậc vua chúa, quan lại, các bậc hiền triết, nhà tư tưởng, các tướng lĩnh quân đội, các kẻ độc tài, nhà ngoại giao,.. Robert Greene tổng hợp nên 48 nguyên tắc được nêu lên trong quyển sách. Ông cũng tách bạch mỗi nguyên tắc ra theo từng chương, với mỗi chương tuân thủ chung một kết cấu trình bày theo 4 phần: 1/ Tuân thủ nguyên tắc (những câu chuyện mà trong đó nhân vật chính đã áp dụng nguyên tắc và thành công) 2/ Vi phạm nguyên tắc 3/ Cốt túy của nguyên tắc, và 4/ Nghịch đảo (mặt hạn chế của nguyên tắc).

Những người đánh giá thấp quyển sách dựa chủ yếu vào 3 lý do.

– Thứ nhất, họ cho rằng quyển sách là một sự ngụy trang hoàn hảo cho thứ có thể xem như là sự đồi trụy trong đạo đức của một con người. Nếu như bạn lướt qua phần mục lục, bạn có thể sẽ lấn cấn ngay từ những quy tắc đầu tiên: “Che đậy chủ tâm”, “Chiếm đoạt công sức của người khác”, “Bề ngoài làm bạn, bên trong rình mò”, “Sử dụng tay sai làm việc bẩn”,.. Những đánh giá tiêu cực nhất trên trang đánh giá sách nổi tiếng Goodreads cũng vịn vào cớ này để rate quyển sách “1 sao” không thương tiếc. Có ý kiến cho rằng, nếu anh ta gặp một ai đọc quyển sách này và cảm thấy tự hào về điều đó, anh ta sẽ không bao giờ tuyển dụng cá nhân đó, hay làm bạn hoặc thậm chí nói chuyện với người đó, bởi lẽ chỉ những người với không mảy may một chút nhân tính mới có thể “tiêu thụ” được những nội dung như vậy.

Tìm hiểu thêm:  Đọc sách: Đằng sau “mưa ngâu” là chân dung Hà Nội

– Thứ hai, họ cho rằng những trường hợp mà tác giả đề cập trong quyển sách chỉ là những trường hợp cá biệt, và rằng nếu ai cũng vươn đến đỉnh cao của “quyền lực” như những ví dụ mà Robert Greene đề cập, thì thế giới của chúng ta sẽ là một nơi vô cùng tồi tệ. Đối với họ, tác giả đang “quy chụp”, đơn giản hóa những quy luật và chỉ đang sử dụng thủ thuật kết luận trước, tìm ví dụ theo sau để hợp thức hóa những nội dung mà mình viết. Và rằng những ví dụ đó không đủ tính phổ quát để đại diện cho toàn bộ nét tính cách của những người nắm trong tay quyền lực trong xã hội này, đặc biệt là những người đặt được quyền lực theo cách khác so với những quy chuẩn mà tác giả vạch ra, những cách mà rõ ràng là chính thống hơn, đường hoàng hơn và ít gây tranh cãi hơn.

– Thứ ba, những người phản đối quyển sách cũng chỉ ra rằng, đối với những quy tắc mà tác giả đưa ra, khi chiếu lên những trường hợp nêu trong ví dụ thì có thể đúng, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đó đều là những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử, từ hoàng đế nước Pháp Napoleon, đến Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, hay là nhà phát minh Thomas Edison. Vì đây đều là những nhân vật “xuất chúng” trong lịch sử nhân loại, Robert Greene đang phạm phải một sai lầm trong tư duy logic, đó là Thiên kiến kẻ sống sót (Survival Bias) hay Hiệu ứng hào quang (Halo Effect), rằng chính nét tính cách mà tác giả chỉ ra là thứ duy nhất dẫn dắt họ đến đỉnh cao của quyền lực, mặc cho các yếu tố khác cũng đóng góp phần không nhỏ. Và rằng, liệu tác giả có cân nhắc đến những người đã áp dụng những quy tắc mà ông đề ra chỉ để phần đời còn lại đắm chìm trong sự ghẻ lạnh của người đời mà chưa bao giờ vươn đến hào quang của sự quyền lực mà họ ước ao.

Tìm hiểu thêm:  MƯỜI BÀI HỌC VỀ THÀNH CÔNG CỦA ÔNG CHỦ BURGER KING

Robert Greene từng khẳng định “Tôi không phải là ác quỷ, tôi chỉ đang thực tế.” (Ảnh: Một cuốn sách nổi tiếng khác của tác giả, Quy luật Bản chất Con người, credit: Business Insider)

Tuy nhiên…

Trên thực tế, dù nhận khá nhiều chỉ trích và sự tranh cãi, cuốn sách vẫn là một trong những quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 4 triệu bản được tiêu thụ trên khắp thế giới, được tái bản đến nay đã 25 lần và được dịch ra hơn 24 thứ tiếng khác nhau (Nguồn: The New York Times, Wikipedia). Và mặc dù nhận được rất nhiều đánh giá 1 sao trên Goodreads với những chỉ trích gay gắt, cuốn sách vẫn có một điểm số đánh giá trung bình là 4.15 trên thang điểm 5, với gần 130 nghìn đánh giá (một số điểm tương đối cao với một lượng người đánh giá đáng kể như vậy).

Vậy thì, tại sao vẫn có những ý kiến ủng hộ và yêu mến quyển sách?

Trước tiên, cần xác định rõ một điều rằng bạn đang thưởng thức tác phẩm trên tinh thần là kẻ đi săn (predator) hay con mồi (prey) – những người cần một tấm ngăn bảo vệ họ khỏi những kẻ nắm trong tay quyền lực và khát khao thao túng người khác. Nếu đặt mình vào vị trí của những người yếu thế đang cần một tư liệu hướng dẫn cách nhìn thấu tâm can của những kẻ khát quyền lực, từ đó mà tránh né được những thủ đoạn của chúng, thì chắc chắn cuốn sách là một tài liệu quý báu. Như tác giả cũng đã đề cập, tính cốt yếu của quyền lực là phi luân lý, và một trong những kỹ năng quan trọng cần đạt tới là khả năng nhận thức tình huống chứ không phải phân biệt tốt – xấu. Nhìn nhận tình huống để ta chủ động tránh né chiêu trò hiểm ác của đối phương, để ta nhìn ra bản chất của tương quan mối quan hệ giữa người và người và để ta tránh đi vào những vết xe đổ của bản thân trong quá khứ.

Ngoài ra, đối với những người đam mê lịch sử, có một chút tìm hiểu hay nghiên cứu về dòng chảy của thời gian thì chắc hẳn, đây là một cuốn sách vô cùng thú vị. Những ghi chép của tác giả trải dài hơn 3000 năm, xuất phát từ những nền văn minh rất khác nhau như Trung Hoa cổ đại, La Mã, đến thời Phục hưng và cận đại ở châu Âu hay thời kỳ hiện đại trong lòng một nước Mỹ nhiều chủng tộc.. Dù có đề cập ở trên về một số vi phạm trong phân tích và kết luận, Robert Greene vẫn đã làm tốt trong việc thuật lại được những câu chuyện thú vị dựa trên chính những nhân vật, tiến trình, sự kiện lịch sử mang tính phổ quát, và còn lưu giá trị đến tận ngày nay.

Tìm hiểu thêm:  Ngày xưa có một chuyện tình: đẹp đẽ và cao thượng

Giá trị mà những câu chuyện ông kể mang nhiều giá trị như vậy, theo như tác giả, là bởi vì chúng ta đều là con người. Và vì quyền lực là cuộc chơi của tập thể, muốn biết chơi và chơi thành thạo, ta phải nghiên cứu và hiểu rõ bản chất con người, và dù đến từ thời đại nào, nền văn minh nào, vùng địa lý nào thì tất cả con người chúng ta đều chia sẻ một số nét tính cách chung, cốt lõi, lặp lại, thế hệ này qua thế hệ khác.

Lời cuối cùng tôi xin đề cập đến chính là, mỗi người trong số chúng ta đều có một góc nhìn chủ quan nhất định. Chính vì thế việc “thưởng thức” một góc nhìn quá khác biệt đôi lúc là điều khó khăn.

“How you view the world has a lot to do with where you view it from.”
(Tạm dịch: Cách bạn nhìn nhận thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc bạn nhìn nó từ ở đâu. – John Green, tác giả các sách nổi tiếng như The Anthropocene, The Fault in Our Stars, Paper Town,..)

Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, trải qua những sự việc, những diễn biến và nhiều sự kiện, góc nhìn của ta lại thay đổi đi ít nhiều. Bằng việc mở lòng để đón nhận những “góc nhìn” khác, có thể ta cũng sẽ hiểu hơn về bản thân chăng?