10 BÀI HỌC SÁNG GIÁ NHẤT TRONG TỰ TRUYỆN CỦA CEO WALT DISNEY

10 BÀI HỌC SÁNG GIÁ NHẤT TRONG TỰ TRUYỆN CỦA CEO WALT DISNEY

Robert Iger, CEO Walt Disney, chia sẻ hành trình thú vị của mình từ vị trí “thấp hèn” nhất ở xưởng phim đến đỉnh cao quyền lực của đế chế phim ảnh lớn nhất thế giới với tác phẩm “Hành trình một đời người”.

Tôi có cơ hội đọc bản tiếng Anh của cuốn sách – “The Ride of a Lifetime” vào đầu năm 2020. Lúc ấy, Bob (tên gọi thân mật của Robert Iger) mới từ nhiệm chức vụ CEO của Disney, chọn ra người kế vị, lui về “hậu trường” sau hơn 15 năm chèo lái con thuyền đế chế phim ảnh và giải trí lớn nhất thế giới.

2 năm sau, vào những ngày cuối năm 2022, truyền thông lan truyền tin tức về sự quay lại của Bob ở vị trí CEO sau những năm tháng “sóng gió” của Disney (đại dịch Covid-19, các bộ phim Marvel Phase 4 không đạt hiệu ứng như kỳ vọng, sự chật vật của nền tảng trực tuyến Disney+ trong thời kỳ “mùa đông công nghệ” nửa cuối năm 2022…). Người ta gắn cho ông biệt danh vui nhộn “The Boomerang CEO”, ý chỉ việc ông rời đi chỉ rồi để “yêu lại từ đầu” đế chế phim ảnh lớn nhất thế giới.

Không chỉ là một doanh nhân giỏi, Bob là một người kể chuyện đầy lôi cuốn. Ông ấy sẽ đưa bạn từ những năm tháng đầu đời, nơi định hình lên tính cách và con người ông, đến những ngày tháng làm việc “thấp hèn” nhất, hành trình ông leo đến đỉnh cao quyền lực, tình bạn giữa ông và Steve Jobs, và rồi đến các thương vụ đình đám của Disney với Pixar, Marvel, LucasFilm,..

Nếu để nói đây là một cuốn sách hay về kinh doanh thì tôi không vội khẳng định, bởi lẽ để làm kinh doanh thì chúng ta cần rất nhiều yếu tố. Nhưng sẽ không ngoa khi nói rằng đây là bước đệm đầu hoàn hảo cho những ai có ước mơ dấn thân vào con đường quản trị, đặc biệt trong ngành công nghiệp phim ảnh nói riêng và rộng ra là lĩnh vực sáng tạo nói chung.

Dưới đây là 10 bài học mà bản thân tôi cảm thấy hay và ý nghĩa nhất trong cuốn sách, về cuộc sống, công việc, về sự lãnh đạo, về việc điều hành một doanh nghiệp sáng tạo, và về bản ngã của mỗi người. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy được động lực từ chính những trích dẫn này.

Các bài học về kinh doanh, về ngành công nghiệp điện ảnh

1. Ông chủ cũ của tôi, Dan Burke, đã từng đưa cho tôi một mảnh giấy có nội dung: “Tránh tham gia vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất dầu kèn trombone. Bạn có thể trở thành nhà sản xuất dầu kèn trombone vĩ đại nhất thế giới, nhưng cuối cùng, thế giới chỉ tiêu thụ vài lít dầu kèn trombone mỗi năm!” Ông ấy nói với tôi rằng đừng đầu tư vào những dự án nhỏ sẽ làm cạn kiệt nguồn lực của tôi và công ty mà lại không thu được nhiều lợi nhuận. Tôi vẫn giữ tờ ghi chú đó trên bàn làm việc và tôi sử dụng nó khi nói chuyện với các giám đốc của chúng tôi về những gì cần theo đuổi và việc tập trung nguồn năng lượng của họ vào đâu.

2. Ngành công nghiệp điện ảnh có thể vừa ly kỳ vừa điên cuồng. Nó không hoạt động như các doanh nghiệp truyền thống khác. Nó đòi hỏi phải đặt cược hết lần này đến lần khác dựa trên bản năng. Tất cả mọi thứ là một rủi ro. Bạn có thể có những gì bạn nghĩ là một ý tưởng tuyệt vời và tập hợp được nhóm phù hợp, nhưng mọi thứ vẫn có thể bị trật bánh vì rất nhiều lý do thường nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

3. Công việc quản lý sự sáng tạo là một nghệ thuật, không phải khoa học. Khi đưa ra nhận xét, hãy lưu ý đến việc người mà bạn đang trò chuyện cùng đã cống hiến hết mình cho dự án và việc họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều như thế nào từ những ý kiến cá nhân của bạn.

Các bài học về sự lãnh đạo

4. Tất cả chúng ta đều muốn tin rằng chúng ta không thể bị thay thế. Bạn phải đủ tự nhận thức để không bám vào quan niệm rằng bạn là người duy nhất có thể làm công việc này. Về bản chất, khả năng lãnh đạo không phải xoay quanh việc trở nên không thể thay thế, mà đó là giúp người khác sẵn sàng bước vào vị trí của bạn—cho phép họ tiếp cận với quá trình ra quyết định của riêng bạn, xác định các kỹ năng họ cần phát triển và giúp họ cải thiện, và đôi khi thành thật với họ về lý do tại sao họ chưa sẵn sàng cho tương lai bước lên.

5. Là một nhà lãnh đạo, nếu bạn không thực hiện công việc, những người xung quanh bạn sẽ để ý và bạn sẽ nhanh chóng mất đi sự tôn trọng của họ. Bạn phải luôn trong trạng thái chú tâm. Bạn thường phải tham gia các cuộc họp mà nếu được lựa chọn, bạn có thể chọn không tham dự. Bạn phải lắng nghe những vấn đề của người khác và giúp tìm ra giải pháp. Đó là một phần của công việc.

Tìm hiểu thêm:  Căn cước Hà Nội của Tạ Mỹ Dương

6. Bất kể chúng ta trở thành ai hay đạt được những gì, chúng ta vẫn cảm thấy rằng về cơ bản chúng ta vẫn là đứa trẻ như chúng ta ở một thời điểm rất lâu về trước. Theo tôi, đó cũng là mẹo của người lãnh đạo để giữ vững nhận thức đó về bản thân ngay cả khi thế giới cho bạn biết bạn quyền lực và quan trọng như thế nào. Khoảnh khắc bạn bắt đầu quá tin vào tất cả, khoảnh khắc bạn nhìn mình trong gương và thấy một danh hiệu được trang trí trên trán, bạn đã lạc lối. Đó có thể là bài học khó nhất nhưng cũng cần thiết nhất mà bạn cần ghi nhớ, rằng dù bạn ở đâu trên con đường này, bạn vẫn phải luôn là chính mình.

Các bài học về việc đưa ra quyết định

7. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, họ (những người làm việc ở phòng Chiến lược) thường quá cân nhắc, đưa ra mọi quyết định thông qua sự phân tích quá mức. Bất cứ điều gì chúng tôi thu được từ việc có nhóm người tài năng này sàng lọc thông tin về một thỏa thuận để đảm bảo rằng nó có lợi cho chúng tôi, chúng tôi thường mất thời gian cần thiết để hành động. Điều này không có nghĩa là nghiên cứu và cân nhắc không quan trọng. […] nhưng bạn cũng phải nhận ra rằng không bao giờ có sự chắc chắn 100%. Cho dù bạn đã được cung cấp bao nhiêu dữ liệu, thì cuối cùng, đó vẫn là một rủi ro và quyết định chấp nhận rủi ro đó hay không phụ thuộc vào bản năng của mỗi người.

8. Đối với mọi thứ, điều quan trọng là sự nhận thức, xem xét tất cả và cân nhắc mọi yếu tố—động lực của chính bạn, những người bạn tin tưởng đang nói gì, nghiên cứu và phân tích cẩn thận cho bạn biết điều gì, và rằng những nghiên cứu và phân tích ấy không thể cho bạn biết điều gì. Bạn xem xét cẩn thận tất cả các yếu tố này, hiểu rằng không có hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, và sau đó, nếu bạn là người phải đưa ra quyết định, thì cuối cùng điều đó vẫn xuất phát từ bản năng. Điều này đúng hay không? Không có gì là chắc chắn, nhưng ít nhất bạn cần sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn. Bạn không thể có những chiến thắng lớn nếu không có chúng.

Tìm hiểu thêm:  Đọc sách: Đằng sau “mưa ngâu” là chân dung Hà Nội

Các bài học về vai trò của bản thân trong công việc

9. Đừng để tham vọng đi trước cơ hội. Bằng cách tập trung vào một công việc hoặc dự án nằm ở thì tương lai, bạn trở nên thiếu kiên nhẫn với vị trí hiện tại của mình. Bạn không đủ quan tâm đến những trách nhiệm mà bạn có, và vì vậy tham vọng có thể trở nên phản tác dụng. Điều quan trọng là phải biết cách tìm sự cân bằng—làm tốt công việc của bạn; kiên nhẫn, tìm kiếm cơ hội để tham gia, mở rộng và phát triển; và biến bạn trở thành một trong những người, thông qua thái độ, năng lượng và sự tập trung, mà sếp của bạn cảm thấy họ phải cậy nhờ khi có cơ hội.

10. Tôi thậm chí còn dành một chút thời gian trước khi bước vào phòng họp để xem lại bài phát biểu “Người đàn ông trong đấu trường” (The Man in the Arena) của Theodore Roosevelt (tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ), bài phát biểu từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng: “Không phải nhà phê bình mới là người quan trọng; không phải là người chỉ ra cách kẻ mạnh vấp ngã, hay chỉ ra rằng lẽ ra có thể làm chúng tốt hơn ở chỗ nào. Công lao thuộc về người đàn ông thực sự đang ở trong đấu trường, người có khuôn mặt lấm lem bụi bặm, mồ hôi và máu.”

Nếu đặt những trích dẫn nói trên vào từng bối cảnh của quyển sách, bạn sẽ thấy một sự tài tình của Robert Iger trong việc vừa đảm bảo mạch kể chuyện lôi cuốn, vừa khéo léo lồng ghép những chiêm nghiệm, bài học thú vị. Vậy nên để trải nghiệm đầy đủ “the ride” (chuyến tàu lượn) của Bob, bạn hãy tìm mua sách để đọc đầy đủ nhé. Quyển sách rất dễ đọc, một khi bắt đầu rồi thì khó lòng đặt xuống, cũng giống như khi bước chân lên tàu lượn rồi thì bạn sẽ trải qua muôn vàn cảm xúc, để rồi tiếc nuối khi nó kết thúc.